Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế 

(Chinhphu.vn) – Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.

Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỉ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Ngành điện tử gia dụng đạt 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch Công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nêu trên, ngành CNHT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cả nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Hạn chế từ chính sách

Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển CNHT, nhưng hoạt động của ngành vẫn thiếu tính chiến lược định hướng toàn diện, thiếu cơ chế giám sát các chủ thể trong hoạt động CNHT và đặc biệt là chưa thể tận dụng hết các lợi ích của các hiệp định thương mại tự do trong việc phát triển ngành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam; CNHT có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp CNHT chưa được hình thành. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Trong giai đoạn đầu phát triển, ngành CNHT còn nhiều hạn chế và yếu kém, chưa đủ nguồn lực để vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, vì vậy thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chính như ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may… nhằm tạo thị trường cho CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn, gây ra các hạn chế trong việc phát triển chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế, khiến dung lượng thị trường cho ngành CNHT thời gian vừa qua không đủ để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ nhưng chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…). Do đó, khi thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc như chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV qua hệ thống ngân hàng phát triển, chính sách hỗ trợ DNNVV trong CNHT. Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… Việc thiếu các cơ chế này khiến doanh nghiệp CNHT khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi.

Hạn chế từ chính doanh nghiệp

Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.

Đối với ngành dệt may, theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện tỉ lệ nội địa hóa đạt của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40-45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ngành vải may của Việt Nam hiện nay đạt sản lượng khoảng 2,3 tỷ m2/năm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước. Trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD vải phục vụ cho ngành may mặc. Vải sản xuất trong nước phần lớn được sử dụng để sản xuất quần áo chất lượng trung bình và thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

Đặc biệt, điểm nghẽn chủ yếu đối với CNHT ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường để phát triển ngành dệt nhuộm vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên đã hạn chế việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang.

Đối với ngành da- giày, hiện nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40-45%. CNHT của ngành da giày Việt Nam nói chung còn manh mún, thiếu đồng bộ trong sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất da giày. Một số loại nguyên phụ liệu đang được sản xuất tại Việt Nam gồm: Da thuộc, giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, chỉ may, dây giày, vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện bằng kim loại, phụ liệu nhựa, keo dán, hóa chất... Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu về các chỉ tiêu cơ lý, độ đều màu, bền màu, các yêu cầu về an toàn sinh thái.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỉ lệ nội địa hóa xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là đạt 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Tỉ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%. 

Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do doanh nghiệp FDI cung cấp. Mới chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.

Xuân Tuyến

365 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1195
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1195
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87125817