PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH  

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm việc phát triển dược liệu, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và coi đó là một trong các nhóm giải pháp của công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, do giá trị thu nhập của dược liệu mang lại. Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với quan điểm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội; phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

Đối với tỉnh Quảng Trị, cây dược liệu được xác định là một trong 06 cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất cây dược liệu. Ngày 23/5/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND quy định những chính sách để hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó cây dược liệu được hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng với định mức hỗ trợ 100 triệu đồng/ha, không quá 03 ha/năm, đồng thời khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển sản xuất, chế biến trên địa bàn. Ngày 20/7/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND, ngày 20/7/2019 để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó dược liệu là nhóm cây chủ lực ưu tiên được hỗ trợ hưởng các chính sách của Nghị quyết. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 21/2015-UBND về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020; trong đó, dược liệu thuộc nhóm được hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa có liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nhân rộng sáng kiến các mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian cho vay đối với lĩnh vực này không quá 02 năm và định mức cho vay hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 500 triệu đồng/mô hình. Bên cạnh đó, thông qua các nguồn lực như nguồn vốn kinh tế sự nghiệp hàng năm, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông… các địa phương đã hỗ trợ người dân trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình sản xuất dược liệu mới, có hiệu quả kinh tế, làm cơ sở để nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo.  Với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển cây dược liệu, ở một số địa phương đã có nhiều doanh nghiệp, hộ dân đầu tư phát triển cây dược liệu. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 95 ha trồng cây dược liệu chủ lực như đinh lăng, sâm Bố Chính, ngưu tất, sinh đinh, trạch tả, nghệ, cao chè vằng, cà gai leo… Điển hình có một số mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây cà gai leo, diện tích 05 ha liên kết với Công ty TNHH một thành viên Mai Thị Thủy. Mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất an toàn sinh học (chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm tự nhân như gừng, tỏi, ớt ngâm rượu để phòng trừ sâu bệnh)… Mỗi năm cây cà gai leo cho thu hoạch 2 – 3 lứa, năng suất khô đạt 20 – 24 tạ/ha, doanh thu từ 160 – 200 triệu đồng/ha, lãi 100-130 triệu đồng/ha.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây chè vằng, diện tích khoảng 03 ha, liên kết với làng nghề Định Sơn. Mô hình được áp dụng công nghệ tưới phun mưa áp lực thấp, quy trình sản xuất hữu cơ. Mỗi năm thu hoạch từ 2 - 3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/ha, doanh thu khoảng 135 triệu đồng/ha.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sâm Bố Chính, diện tích khoảng 07 ha được liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm. Mô hình được áp dụng công nghệ tưới phun mưa áp lực thấp, quy trình sản xuất an toàn sinh học, có năng suất khoảng 40 tạ/ha, giá bán 50.000 đồng/kg củ tươi, lãi 140 triệu đồng/ha.

Qua quá trình canh tác thực tế, cây dược liệu là một trong những cây trồng yêu cầu kỹ thuật canh tác khắt khe, vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất vừa đảm bảo năng suất cây trồng; bên cạnh đó, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu, phải đảm bảo các quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại theo tiêu chuẩn. Mặc khác đầu tư cho cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đầu tư thu mua nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nhìn chung còn nhiều hạn chế, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất… đó là những khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình nhân rộng phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhân rộng các mô hình phát triển để cây dược liệu trở thành cây chủ lực như định hướng phát triển của tỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu thụ cây dược liệu (Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/ năm. Tuy nhiên, sản lượng từ nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta mới đáp ứng được khoảng 30%, lượng còn lại chủ yếu được nhập khẩu). 

Trước hết, cần tiến hành đánh giá sơ kết các mô hình phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đánh giá việc thực hiện các chính sách địa phương đối với phát triển cây dược liệu. Trên cơ sở đó, có sự nghiên cứu nghiêm túc để sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án phát triển và chế biến cây dược liệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, nhất là những sản phẩm dược liệu chủ lực của địa phương. Đồng thời, huy động các nguồn lực tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý trong tự nhiên, từ đó, lựa chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, bản đồ dược tính, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý. Tiếp tục quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm tăng cường sức khỏe, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh, thương mại hóa các sản phẩm dược liệu quý, có tính đặc thù trên địa bàn. Lồng ghép các chương trình, dự án liên tỉnh, liên vùng mang tính trọng tâm, trọng điểm, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh và nghiên cứu chế biến thuốc cho các nhà máy chế biến trong và ngoài nước. Ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu quý. Đồng thời, chú trọng phát triển sản xuất an toàn, từng bước đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Thanh Lan

2910 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 906
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 906
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76844252