Phát triển cây có múi: Nhanh nhưng chưa hiệu quả  

(Chinhphu.vn) – Cây có múi hiện đang phát triển nóng so với quy hoạch. Trong khi đó, các loại quả từ cây này chủ yếu là tiêu thụ tươi, chưa có sản phẩm chế biến sâu.
Chanh đang chiếm chưa đến 8% diện tích cây có múi, nhưng chiếm 94,4% giá trị xuất khẩu quả có múi.- Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tăng diện tích “chóng mặt”

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây có múi ở các tỉnh miền Bắc trong 10 năm trở lại đây tăng chóng mặt theo cấp số nhân.

Thống kê cho thấy, tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía bắc hiện đạt khoảng 121.000 ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi của cả nước. Chỉ trong 10 năm trở lại đây, từ 2009-2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân lên tới 10%/năm về diện tích, tương đương 7.300 ha/năm, trên 12% về sản lượng, tương đương 69.400 tấn.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 11.500 ha cây có múi (cam, quýt, bưởi), sản lượng khoảng 160.000 tấn. Điều đáng lo ngại là, việc tiêu thụ khối lượng sản phẩm khổng lồ này đều phụ thuộc vào thương lái và chủ vườn, ít có bàn tay của doanh nghiệp. Trong khi đó, sản phẩm chủ yếu bán tươi, số lượng được chế biến sâu không đáng kể, nên ở thời điểm thu hoạch rộ, không tránh khỏi việc bị dồn ứ. Mấy năm gần đây, giá các sản phẩm cam, quýt, bưởi cũng không còn hấp dẫn như những năm trước.

Điều đáng nói là, không chỉ ở Hòa Bình, đến nay, diện tích cây có múi đang lan rộng ra nhiều địa phương, hình thành các vùng sản xuất tập trung như cam Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, bưởi ở Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, quýt Bắc Kạn và Lạng Sơn, cam Nghệ An…

Sự phát triển quá “nóng” diện tích cây có múi trong khi chất lượng giống chưa được kiểm soát, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn khá phổ biến khiến dịch bệnh trên cây có múi ngày càng khó kiểm soát, gây ô nhiễm nguồn nước, đất, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Một con số đáng báo động Cục Bảo vệ thực vật đưa ra cho thấy, đến nay, diện tích cam ở các tỉnh miền Bắc bị bệnh vàng lá thối rễ lên tới 1.416 ha, nhiễm nặng tới 53 ha, tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An,…

Phải thay đổi theo hướng hữu cơ – chế biến sâu

Theo nghiên cứu của Cục Trồng trọt cho thấy, người dân vẫn còn thói quen trồng cây có múi theo tư tưởng chạy theo số đông. Nhiều vùng đất dốc, chân đất thấp, khó làm đường thoát nước, bà con vẫn cố trồng cây có múi và cho hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng.

Về mặt tiêu thụ, cam và bưởi là hai loại cây chủ lực, được trồng nhiều nhất tại các tỉnh phía bắc cũng như cả nước, nhưng sức mua chính lại từ thị trường nội địa, phục vụ nhu cầu ăn tươi.

Trong khi đó, chanh chỉ có diện tích trồng khoảng 9.600 ha trên cả nước, chưa đến 8% diện tích cây có múi, lại cho giá trị xuất khẩu lên tới 41,6 triệu USD năm 2019, chiếm 94,4% giá trị xuất khẩu quả có múi.

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) gửi câu hỏi trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường với nội dung: “Kỳ họp thứ 6, tôi có hỏi Bộ trưởng về việc quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn cả nước. Xin hỏi Bộ trưởng về phát triển cây ăn quả có múi hiện nay như thế nào, có phù hợp với quy hoạch hay không và có nguy cơ phải giải cứu hay không?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, diện tích cây ăn quả của Việt Nam có khoảng 1,1 triệu hecta, với sản lượng khoảng 13-15 triệu tấn; có 15 loại cây ăn quả chính, trong đó có cây có múi. Hà Tĩnh có giống cam, với diện tích hiện nay khoảng 238.000 ha, sản lượng 2,5 triệu tấn.

“Riêng về nhóm cây có múi đang là tồn tại chung của chúng ta, bởi vì hầu hết diện tích phát triển hiện nay chủ yếu ăn tươi, chế biến rất kém. Công tác giống nhìn chung ở nhóm cây có múi còn hạn chế, kể cả bưởi, chanh, quýt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, thời gian tới, công tác giống phải rà soát lại hết để có được những bộ giống tốt, chống chịu được bệnh và đảm bảo thâm canh.

Hai là, quy trình canh tác cũng phải thay đổi lại theo hướng hữu cơ. Hiện nay hầu hết diện tích cây có múi sau một thời gian khai thác là bị bệnh, do chăm sóc, quy trình.

“Ba là, phải tăng cường khâu chế biến, nếu chỉ chờ ăn tươi thì chắc chắn hiệu quả rất thấp, cứ phát triển thêm một tí diện tích lại bão hòa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích không theo quy hoạch. Các địa phương tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cây có múi, điều chỉnh cơ cấu cây có múi, quản lý chặt chất lượng cây giống. Áp dụng kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Đỗ Hương

234 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87182436