Phát triển văn hóa ở nông thôn là quan tâm đến phát triển văn hóa từ gốc, là tạo ra những giá trị mới của nông thôn, một nông thôn hiện đại với những giá trị mới về kinh tế, văn hóa, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn mới. Việc phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 22/QĐ-TTg, ngày 05/01/ 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Thông tư 12/2010/ TT-BVHTTDL, ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 05/2009/NQ- HĐND, ngày 24/4/2009 “Về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở và phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”, Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND, ngày 25/4/2014 về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, các cuộc vận động trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới như xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; nếp sống văn hoá nơi công cộng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và thiết thực, khơi dậy tinh thần đoàn kết ở cộng đồng dân cư, tác động hiệu quả đến xây dựng đời sống văn hóa ở vùng nông thôn của tỉnh. Đến nay, các địa phương đã thực hiện việc duy trì và nhân rộng nhiều mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Để duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng mình, các địa phương đều xây dựng hương ước riêng phù hợp với các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước và điều kiện, phong tục tập quán ở địa phương. Hương ước góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, hòa thuận; đẩy lùi tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; hình thành các giá trị văn hóa mới ở nông thôn phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Nhiều địa phương phát động phong trào thi đua dài hạn với chủ đề “Thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho mình, làm giàu, đẹp cho quê hương”, qua đó, mỗi người dân nêu cao vai trò chủ thể trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng, phát huy tính năng động sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, góp phần vun đắp, xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Quảng Trị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình triển khai thực hiện phát triển văn hóa nông thôn vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chưa đa dạng về hình thức, nội dung nên chưa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ. Việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng chưa đáng kể; sau khi sáp nhập thôn xóm, các xã đều dôi dư nhà văn hóa thôn. Việc xây dựng các khu thể thao cũng đang đặt ra nhiều khó khăn cho các địa phương. Tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở một số nơi; nhiều hình thức văn hóa, lối sống không lành mạnh thâm nhập về nông thôn, làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn.
Để phát huy những kết quả đạt được đồng thời nhằm khắc phục những mặt còn hạn chế trong quá trình phát triển văn hoá ở nông thôn của tỉnh hiện nay. Thời gian tới, các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa và phát triển văn hóa nông thôn; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa, thể thao của người dân ở nông thôn. Tăng cường công tác phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển văn hóa nông thôn giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến về xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường xã hội, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn đân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, thực chất, góp phần có hiệu quả vào việc ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở nông thôn.
Thứ ba, xây dựng gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến về xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường xã hội, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn mới. Xây dựng, củng cố thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao ở nông thôn; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc.
Thứ tư, chú trọng phong trào toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, tạo nền tảng vững chắc và góp phần thiết thực trong việc xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thi đua khen thưởng; tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn; xây dựng, nhân rộng mô hình, các điển hình tiên tiến; nghiên cứu, đánh giá tác động hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở ở nông thôn. Xuân Ngọc