Phát triển các ‘cứ điểm’ kinh tế mạnh thúc đẩy tăng trưởng 

(Chinhphu.vn) - Một trong những giải pháp tháo gỡ những nút thắt, tìm ra động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN). Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng.
Gỡ vướng, phát triển các ‘cứ điểm’ kinh tế mạnh thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1.

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP

Đây là ý kiến của ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển KKT, KCN, CCN: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" do KTNN tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội. 

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng KTNN cho hay, trong giai đoạn 2016-2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có 6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế của các cơ chế chính sách, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khai các nguồn lực cho phát triển các KCN, KKT, CCN.

Phó Tổng KTNN Bùi Quốc Dũng đề nghị các chuyên gia phân tích những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những bài học kinh nghiệm trong quản lý, phát triển và tìm những giải pháp trong công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển các KKT, KCN, CCN-một động lực quan trọng trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.

Đặc biệt là, cần nêu giải pháp và vai trò của KTNN trong kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN, CCN và đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý, đầu tư, sử dụng đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả.

Gỡ vướng, phát triển các ‘cứ điểm’ kinh tế mạnh thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 2.

Hội thảo chuyên đề "Phát triển KKT, KCN, CCN: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" - Ảnh: VGP

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại diện DN, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ có những tham luận, thảo luận tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các KKT, KCN, CCN ở các địa phương và trên cả nước…

Ông Lê Thành Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, Tập đoàn đang quản lý trên 402 ha đất, trong đó, đã đầu tư 14 KCN, thu hút gần 700 DN, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động.

Trong thời gian tới, ông Lê Thành Hưng cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung các nhóm giải pháp thu hút đầu tư vào KCN, ưu tiên các ngành nghề thân thiện với môi trường, hình thành liên kết các KCN để tăng lợi thế cạnh tranh, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng-vật chất, có chính sách ưu đãi về giá thuê, đặc biệt với DN FDI và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Dưới góc độ cơ quan xây dựng chính sách, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển, cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, DN, xây dựng.

Quá trình xây dựng KKT, KCN chú trọng đổi mới mô hình theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.

Để thu hút đầu tư có chọn lọc vào KCN, KKT, cần chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Từ đó, có cơ chế riêng trong xúc tiến các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho DN nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II đã chỉ ra một số nút thắt trong phát triển các KKT, KCN. Thứ nhất, vấn đề về quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia. 

Thứ hai, hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ còn hạn chế, thiếu gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT, KCN với các quy hoạch khác. 

Thứ ba, vấn đề liên kết vùng trong các KKT, KCN chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, chưa tạo tác động nhiều đến sản xuất công nghiệp địa phương, gây khó khăn cho DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của DN FDI...

Từ những bất cập, hạn chế trên, TS. Lê Đình Thăng kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KKT, KCN.

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Thăng cho rằng, quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững. 

Chú trọng đầu tư nhiều hơn cho khâu quy hoạch, xem xét quy hoạch phát triển các KKT, KCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Có ưu đãi đầu tư phù hợp, đẩy mạnh thu hút đầu tư; trong đó các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KKT, KCN mới; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn xây dựng, phát triển các KKT, KCN và hỗ trợ các DN thuộc đối tượng được ưu đãi có thể tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn; đa dạng hóa, linh hoạt và sáng tạo trong ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính đến tháng 12/2022, trên cả nước đã có 407 KCN (tính cả 4 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha, trong đó có 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đã cho thuê 45.323 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy gần 72% và 115 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản.

Cùng với đó là 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Các KCN, KKT đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ USD.

Anh Minh

219 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 709
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 709
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217029