Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nổi bật. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995.
Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam- Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 29/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Trong 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc.

Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.

Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD năm 1999 và gần 11 tỷ USD năm 2022, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT cho biết: "Sau 10 năm hoạt động, tuy thời gian chưa dài nhưng đây là chặng đường đầu tiên của lực lượng Kiểm ngư, đánh dấu nhiều sự kiện với nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn. Lực lượng Kiểm ngư vừa thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật chống khai thác IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vừa củng cố kiện toàn xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế và đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng mới tàu, xuồng kiểm ngư; từng bước nâng cao năng lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hướng đến ngành thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững

65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, hội nhập trên cơ sở bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, chủ trương thành lập lực lượng Kiểm ngư được thông qua. Năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa…

Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản, cùng với lực lượng Kiểm ngư, tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia "mạnh về biển, giàu từ biển", nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng, và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân, của của toàn thể người dân.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm:

Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới. Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thủy sản, với cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng đồng bộ. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: "Phía trước chúng ta là 'hải trình' hướng đến mục tiêu: Vì một nền thủy sản 'minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập', vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Chúng ta có 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển"

Trước mắt, ngành thủy sản cần cấu trúc lại dựa trên: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường. "Chúng ta phát huy sức mạnh của thiết chế 'Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản', một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng. Phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đỗ Hương

117 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1155
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1155
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87178472