Phát triển bền vững hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu 

(ĐCSVN) - Phát triển bền vững là nền tảng quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam ở bất kỳ quy mô nào cũng phải hướng tới, đây cũng là chuẩn mực giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (bên phải) và lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp tại diễn đàn.
(Ảnh: P.V)

Đây cũng chính là một trong những lý do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 lấy chủ đề: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức được khai mạc sáng nay (26/6) tại Hà Nội.

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và hơn 300 đại diện đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trên cả nước.

VBF được tổ chức 2 lần một năm là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hoá môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc VBF, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thông qua nhiều kênh đối thoại, VBF là một diễn đàn quan trọng đã gặt hái được nhiều thành công, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đã cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đặt ra của nền kinh tế, của sản xuất, kinh doanh, phát triển và kết nối doanh nghiệp để cùng xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng và củng cố niềm tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Những khuyến nghị vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp cần xem xét giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.

Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng: Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp rất cần các chính sách công bằng, cơ sở hạ tầng hành chính dễ đoán.

Đặc biệt, bà Virginia B.Foote cho rằng, Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nên cần tái tạo, sử dụng chất thải hợp lý để tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: P.V)

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, các doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hội nhập, đặc biệt là “tin vui” từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được ký kết vào cuối tháng 6 này; nhờ đó sẽ khơi thông dòng chảy đầu tư từ EU vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trước những hạn chế còn tồn tại, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính, cần sự nhất quán, tránh tình trạng “mỗi nơi hiểu một kiểu”; hơn nữa, để khởi thông nguồn vốn, Chính phủ cần sớm thúc đẩy ban hành luật về đối tác công tư, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào các dự án lớn…

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, phát triển nhanh và bền vững là một chủ trương và quan điểm nhất quán trong xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Với mục tiêu trước hết là phát triển nhanh tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Đồng thời phát triển bền vững - điều kiện đủ để đảm bảo cho Việt Nam phát triển trong những năm tới.

Cũng theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển bền vững trước hết là giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển. Giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thực hiện các mục tiêu vì con người. Cùng với đó, phải đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng đảm bảo kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tiền tệ. Phát triển bền vững với công nghiệp, đảm bảo công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, xử lý công nghiệp, đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế gia tăng ô nhiễm…Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai một số giải pháp đồng bộ:

Thứ nhất, giữ vững môi trường vĩ mô ổn định, đây là nhân tố quyết định để huy động nhân lực cho đầu tư phát triển và cũng là một nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững.

Thứ hai, tập trung tái cấu trúc mô hình kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng ổn định. Trong đó, tập trung vào tái cơ cấu, đặc biệt là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tái cơ cấu các ngành nghề lĩnh vực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy thị trường thế giới và thị trường khu vực làm mục tiêu để phát triển các sản phẩm công nghiệp Việt Nam.

Tái cấu trúc ngành năng lượng, thay vì phát triển những ngành năng lượng sử dụng nhiên liệu hoá thạch thì Việt Nam đang mạnh mẽ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí thiên nhiên…đảm bảo sự phát triển bền vững.

Cùng với đó, là tái cấu trúc các ngành các sản phẩm kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển các đô thị thông minh, đô thị xanh thân thiện môi trường. Đây là nhiệm vụ và giải pháp đang được Chính phủ  tập trung thực hiện trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, chú trọng đến giáo dục đào tạo. Coi giáo dục đào tạo và phát triển công nghệ là quốc sách để Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đây là là nhân tố quyết định cho sự phát triển và nhân tố cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0.

Thứ năm, Việt Nam tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh hơn, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực cho đầu tư cả trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính, để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất  của doanh nghiệp.

Thứ sáu, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm. Khuyến khích thành lập các viên nghiên cứu tư nhân nhất là trong lĩnh vực khoa học côcng nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, không sử dụng công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Thứ bẩy, Việt Nam tiếp tục tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt là Việt Nam tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương. Đây là môi trường để thúc Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Minh Phương

378 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 751
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 751
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87137841