Bà Virginia B. Foote  và ông Vũ Tiến Lộc đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tại buổi họp báo (Ảnh:M.P)

Đó là chia sẻ của bà Virginia B. Foote , Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)  tại buổi Họp báo trước thềm VBF giữa kỳ năm 2019 vào chiều 25/6 tại Hà Nội. 

Diễn đàn giữa kỳ 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 26/6, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tập trung vào chủ đề vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững. 

Bà Virginia B. Foote, cho biết, các nhóm công tác đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn biến căng thẳng.

Bà Virginia B.Foote cho rằng, năm nay là năm quan trọng của Việt Nam khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đang trong những giai đoạn cuối cùng để phê chuẩn…

”Những hiệp định này là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, tăng cường giao lưu thương mại, tuy nhiên mặt khác đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn”, bà Virginia B.Foote nói.

Đồng quan điểm với bà Virginia B.Foote , ông Vũ Tiến Lộc đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn VBF, Chủ tịch VCCI cho biết, trong 2 năm gần đây, Việt Nam trở thành nền kinh tế thu hút đầu tư hàng đầu trong APEC; các doanh nghiệp trong nước và FDI đều lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, tham nhũng từng bước được đẩy lùi. Đại diện VCCI cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường thu hút đầu tư lớn bởi giá nhân công, vị trí địa chính trị, quy mô thị trường và tính kết nối của thị trường. 

Tuy nhiên, nhìn sâu vào môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng, vẫn còn nhiều điểm nghẽn như: gánh nặng hậu đăng ký kinh doanh còn nặng, cải cách thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, thậm chí là chồng chéo…

Chính vì thế, tại VBF lần này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục kiến nghị về việc giảm điều kiện kinh doanh, minh bạch thông tin cũng như tìm ra giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đồng thời, VBF cũng kiến nghị Luật doanh nghiệp mới phải đưa hộ kinh doanh thành một loại hình doanh nghiệp, đưa khu vực này vào chuẩn mực với việc đơn giản thủ tục, nâng cấp toàn bộ khu vực này.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị không hồi tố và có thời gian để doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới. Các thiết chế pháp lý tương đối chậm khiến các xét xử, xử lý tranh chấp còn chậm chưa đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp, do đó cần tăng cường các thiết chế pháp lý, doanh nghiệp không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải an toàn.

Với những đề xuất như vậy, Chủ tịch VCCI cho biết, VBF giữa kỳ 2019 đặt sự phát triển nhanh và bền vững là cần thiết. Bởi giai đoạn mới là giai đoạn yêu cầu của phát triển nhanh và bền vững. Điều này sẽ giúp thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư, hài hoà lợi ích kinh tế, môi trường. Bất kể quy mô nền kinh tế nào cũng phải gắn với chuẩn mực phát triển bền vững. 

Chủ tịch VCCI cũng cho biết đang phối hợp cùng AmCham và nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch ở Việt Nam…

Trong sự kiện VBF ngày mai, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững./.

Minh Phương