Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng ngày 2/5 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”. Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu, đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Đồng chí Cao Đức Phát điều hành phiên Hội thảo. (Ảnh: Hiền Hòa)
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Cao Đức Phát nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam và thúc đẩy nhiều đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế được mở với thị trường hơn 96 triệu dân trong nước, từ đó không chỉ tạo ra giá trị cho xã hội, xuất khẩu hàng hoá, giúp cải thiện đời sống của hàng triệu người nông dân Việt Nam và phát triển kinh tế đất nước.
Đồng chí cũng cho biết, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này còn rất mỏng; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Hội thảo lần này, đồng chí Cao Đức Phát kỳ vọng các đại biểu, các doanh nhân sẽ cùng nhau đánh giá lại môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết để tham mưu cho Đảng, Nhà nước.
Hội thảo dành phần lớn thời lượng cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tăng cường tính liên kết các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt các chuỗi sản xuất nông, lâm, thủy sản và xử lý tình trạng khủng hoảng sản xuất thừa.
Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Hiền Hòa)
Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 ngành tôm đạt sản lượng 760.000 tấn, trong đó có gần 300.000 tấn tôm sú - không nước nào đạt được, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành sản xuất tôm nhỏ lẻ manh mún nhiều, chiếm 70-80% nhỏ lẻ, diện tích doanh nghiệp 20% trong tổng số 720.000 ha tôm hiện nay. Sản xuất nhỏ lẻ ngành tôm dẫn đến nhiều khó khăn trong hội nhập, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn thị trường thế giới.
Ông Luân cũng cho biết, với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ liên kết kém, khó khăn nguồn tôm bố mẹ, cơ sở hạ tầng, thiệt hại nên dẫn đến giá thành sản xuất cao. Các doanh nghiệp đang kêu là chi phí sản xuất cao dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế.
Mong rằng thời gian tới, ngành tôm mong muốn thử nghiệm chuỗi hoàn chỉnh từ vật tư đầu vào, người nghiên cứu, doanh nghiệp, ngân hàng. Phải tăng cường đầu tư, làm sao để giảm đầu vào, tăng giá bán đầu ra, cam kết chất lượng, hạn chế rủi ro. Ngành tôm cũng muốn có cơ chế bảo hiểm gắn vào chuỗi liên kết để tăng thương hiệu và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Còn theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài. Là người đứng đầu một trong những công ty đầu tiên sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, ông Thòn cho rằng, dù những năm gần đây ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, không có thương hiệu hay những vấn đề được mùa mất giá…
Từ góc nhìn của người làm thực tế, ông nêu vấn đề, việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất, “nhưng khi chưa có thương hiệu thì bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang doanh nghiệp”. Doanh nghiệp Lộc Trời từ chỗ sử dụng chuỗi sản xuất khép kín với 105.000 ha đất nhưng hiện chỉ còn hơn 30.000 do những khó khăn này.
Cũng theo ông Thòn, cần phân vai giữa ba nhà là ba đỉnh tam giác “nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân”, trong đó Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững.
Đại diện cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch cho rằng, hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nông lâm thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà. Thực tế, nhiều mô hình HTX đã làm tốt vai trò này. Thông qua liên kết, hiệu quả đem lại rõ rệt, chi phí đầu vào giảm 10%, doanh thu tăng 20%, lợi nhuận bình quân tăng 15-20%.
Về nguyên nhân nhiều HTX chưa phát huy được vai trò trong liên kết sản xuất, ông Thịnh nêu 4 vấn đề, trong đó có việc quy mô hoạt động của các HTX đa số là vừa và nhỏ; khả năng thích ứng với cơ chế thị trường còn hạn chế; năng lực quản trị của cán bộ HTX còn yếu...
Ông Thịnh cho rằng, để làm tốt vai trò liên kết của HTX, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền vì hiện người dân chưa nhận thức được vai trò của HTX kiểu mới, tâm lý HTX kiểu cũ để lại vẫn nặng nề. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật HTX vì sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, cản trở phát triển; sửa Luật đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất; sớm ban hành nghị định riêng về HTX nông nghiệp…/.
Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP của ngành năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
|
Hiền Hòa