Phát triển an toàn vùng chăn nuôi, thúc đẩy xuất khẩu gia tăng giá trị 

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh thị trường trong nước dư thừa, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở cửa thị trường tiêu thụ bên ngoài, xuất khẩu ngày càng nhiều để vừa khai thác tốt năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi, vừa thúc đẩy phát triển ngành hiệu quả và bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra.

Ngày 25/7, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tập đoàn De Heus tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi"

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt nhấn mạnh: Đây là tọa đàm chuyên môn nhưng rất thời sự, thể hiện ở con số có hơn 2.000 người theo dõi chủ yếu là nông dân ở các vùng chăn nuôi trọng điểm.

Các doanh nghiệp, chuyên gia và bà con cùng chia sẻ kinh nghiệm đến các địa phương, người chăn nuôi trong cả nước để làm sao chúng ta có thể phát triển được một nền chăn nuôi an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn của thế giới (Ảnh: Vĩnh Niệm) 

Đề cập tới công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tạo nền tảng cho việc xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, các loại bệnh trên gia súc, gia cầm đều giảm. Hiện tại, cả nước không có ổ dịch lở mồm long móng nào, tất cả những ổ dịch cúm gia cầm đều được tiêu hủy và không có ổ dịch nào đang hiện hành. Thậm chí, đối với bệnh viêm da nổi cục, chúng ta cũng đã nghiên cứu thành công vaccine. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 xã trong cả nước có bệnh viêm da nổi cục. Đối với dịch tả lợn Châu Phi, có 40 xã có dịch chưa qua 21 ngày,… tất cả những con số đáng mừng đó nói lên việc chúng ta đã và đang xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh rất tốt.

6 tháng đầu năm 2023, ngành đã phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cụ thể: 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên lợn; 12 cơ sở trên gia súc khác. Tính chung đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh Dại. 

“Đặc biệt, đối với tất cả các bệnh nguy hiểm hiện tại, Việt Nam chúng ta đã chủ động nghiên cứu vaccine trong nước thành công. Tiêm phòng tốt, vaccine phù hợp nên chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh. Tất cả là nhờ chúng ta đã nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật” - vị Cục Phó Cục Thú y nói.

Chia sẻ thêm về giải pháp kỹ thuật, mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng những mô hình thí điểm về xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh trên lợn và gia cầm ở vùng 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và 3 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ công nhận 188 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, triển khai các mô hình VietGAP, chăn nuôi tuần hoàn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tạo sinh kế cho nông dân. Các mô hình này đã giúp người chăn nuôi giảm thiểu, ngăn ngừa phòng chống tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

 Đảm bảo an toàn trong dịch bệnh với chăn nuôi là vô cùng quan trọng (Ảnh: PV)

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tốt các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHKT trong chăn nuôi an toàn sinh học trên đàn vật nuôi. Đồng thời cũng tích cực phối hợp với các Tổ chức phi Chính phủ xây dựng các mô hình, dự án về chăn nuôi an toàn sinh học tạo sinh kế bền vững cho nông dân. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tìm ra các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả, đồng thời thông qua diễn đàn để tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Đáng chú ý, đã thực hiện thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng góp phần triển khai các dịch vụ phối hợp với doanh nghiệp, trong đó có thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả.

Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi trong những năm qua đã có tốc độ phát triển rất cao, đặc biệt từ năm 2016 - 2020 là giai đoạn rất khó khăn về thị trường. Năm 2017 giá lợn xuống rẻ kỷ lục. Năm 2019 đầu năm đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối diện với dịch bệnh lớn như vậy. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 dịch COVID-19 làm đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó ngành chăn nuôi chịu tác động trực tiếp do 90% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chúng ta nhập khẩu. Thế nhưng ngành chăn nuôi vẫn vượt qua và đạt được những mục tiêu cơ bản, là trụ đỡ cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đó là giai đoạn lần đầu tiên xuất khẩu thịt gà chính ngạch qua Nhật Bản và cũng là lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sữa sang Trung Quốc.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội có bước phát triển rất lớn. Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn tốp đầu cả nước lại đông dân cư, áp lực lớn của đô thị hóa. Hiện, các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đã giảm đáng kể, chăn nuôi gia cầm giảm 63%, lợn giảm 38%, dê, bò 21% so với năm 2020. Hà Nội ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi gia đoạn 2020 đến 2030, tầm nhìn đến 2045 hướng phát triển chăn nuôi quy mô lớn hàng hóa, đồng đều cao. Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh được thành phố quản lý, thực hiện rất chặt chẽ. Từ 2020 đến nay, các dịch bệnh lớn không xảy ra, công tác tiêm phòng, tiêu độc phòng chống dịch bệnh cũng được thành phố thực hiện tốt nên chăn phát triển nhanh và hiệu quả. Hà Nội cũng đã quy hoạch vùng chuyên canh tập trung với các trang trại quy mô lớn, có 162 chăn nuôi trong điểm, 60 xã nuôi gia cầm...Đến nay, đã có trên 6.300 trang trại quy mô lớn, chăn nuôi của thành phố đang hướng đến chăn nuôi lớn an toàn sinh học, công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người ân Thủ đô.

Chia sẻ về các giải pháp quan trọng để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh; kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín, hướng tới xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Công ty De Heus Việt Nam cho biết: Giá cả chăn nuôi biến động theo thị trường liên tục chúng ta không can thiệp được. Còn rủi ro dịch bệnh chủ yếu đến từ khâu chăm sóc quản lý là chính, chúng ta kiểm soát được nhưng nếu xảy ra dịch bệnh thì việc khôi phục sản xuất chăn nuôi là rất khó khăn, thiệt hại rủi ro do mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi lại rất lớn.

“De Haus xác định luôn đảm bảo sản xuất an toàn cho chính bản thân đơn vị song song với thực hiện hỗ trợ kiểm soát dịch cho các khách hàng, cho bà con nông dân” - ông Hiếu cho biết thêm.

Tại điểm cầu Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Kha, chủ chuỗi Trang trại Miền Đông, khởi nghiệp với nghề nuôi gà tại Đồng Nai từ năm 2009, đến năm 2014 đã mạnh dạn hợp tác với doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết khép kín định hướng xuất khẩu gà sang Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi với doanh nghiệp. Ông Kha tâm sự về hiệu quả của chuỗi liên kết 4 bên để xuất khẩu gà đi Nhật Bản.

Thảo luận, trao đổi thẳng thắn, tất cả các đại biểu tham dự Tọa đàm đều nhât trí cao rằng, cần phải đẩy nhanh việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đàm phán với các quốc gia nhập khẩu để xây dựng chuỗi xuất khẩu./.

 
HA.NV
141 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1058
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1058
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190050