Tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600-700Mbps, tương đương nhà mạng 5G Verizon (Hoa Kỳ).
Hiện đội ngũ kỹ thuật của Viettel đã chuyển sang các bài kiểm tra kỹ thuật trên thực địa, bao gồm đánh giá về khả năng tương thích ngược (với các thiết bị 4G, 3G, 2G hiện có), đánh giá vùng phủ tối ưu cho tốc độ, dịch vụ khác nhau. Thách thức lớn nhất của nhóm là mạng 5G còn nhiều thành phần cần được điều chỉnh tối ưu như: Tần số thử nghiệm, số lượng tần số, thiết bị đầu cuối, tương quan vùng phủ và vị trí phát…
Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên của Việt Nam
tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) (Ảnh: Diệu Linh).
“Viettel đặt mục tiêu tiên phong phát triển và triển khai các công nghệ mới nhất, trong đó có công nghệ 5G đồng bộ với các nhà mạng hàng đầu thế giới để phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các kỹ sư nghiên cứu phát triển 5G của chúng tôi cũng đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel khẳng định.
Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất thế giới. Thời gian từ khi những thiết bị 5G đầu tiên cập cảng ngày 25/3 đến thời điểm tích hợp và phát sóng chỉ trong 1 tháng. Các kỹ sư Viettel đã lắp đặt gần 1 tấn thiết bị chỉ trong 5 ngày.
Toàn bộ thời gian còn lại cho tích hợp thiết bị và cấu hình mạng lõi bởi 5G vẫn là công nghệ mới đối với các nhà mạng thế giới. Việc sớm tiếp cận và thử nghiệm công nghệ mới giúp Việt Nam bắt kịp xu thế. Điều này rất khác so với triển khai 4G bởi khi đó, tất cả các đối tác đều có kinh nghiệm và công nghệ đã cũ./.
Anh Tuấn