Phát huy vai trò xung kích của DN, doanh nhân trong bối cảnh mới 

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, Việt Nam có gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị DN…
Phát huy vai trò xung kích của DN, doanh nhân trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng - Ảnh: VGP/HT

Chiều 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo và Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chủ trì buổi làm việc.

Doanh nhân khẳng định vai trò dẫn dắt

Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. 

Hiện nay, Việt Nam có gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị DN… Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương được giao phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết, Đảng đoàn VCCI là cơ quan chủ trì.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định quan trọng, như: Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018 và sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP các năm 2019, 2020 và 2021, Nghị quyết số 35/NQ-CP… để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển DN, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.

Nhờ việc triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trong nghị quyết, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, DN có bước chuyển biến tích cực.

Trách nhiệm và kỳ vọng của DN, doanh nhân

Đại diện VCCI nhận định, hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội. 

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đó là vẫn còn tình trạng DN, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết... "Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạn chế về đạo đức doanh nhân", ông Phạm Tấn Công chia sẻ.

Đại diện cộng đồng DN nhận thấy cần thiết triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ.

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích DN, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa DN, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những DN, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước…

Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả 2 đột phá trên, điều kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội…

Phát huy vai trò xung kích của DN, doanh nhân trong bối cảnh mới - Ảnh 3.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ - Ảnh: VGP/HT

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ dựa trên nền tảng củng cố nội lực và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập quốc tế, DN, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao báo cáo của VCCI, nhất là những ý kiến chia sẻ tâm huyết của các DN, doanh nhân; ghi nhận những kết quả tích cực sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 09; ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. 

Tuy nhiên, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân.

Lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương đề nghị cần chú ý đến các yếu tố của bối cảnh mới, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập. Để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, cần củng cố, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn, đồng thời khuyến khích các DN Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại. 

Phát triển DN Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ, mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội của đội ngũ DN, doanh nhân. Tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng giữa các DN trong nước để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của DN Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, nhất là việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. 

Bên cạnh việc quan tâm đến phát triển về số lượng DN, doanh nhân, cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng DN, doanh nhân, nhất là về xây dựng đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh để có được đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN hiện đại tương xứng với một quốc gia phát triển vào năm 2045.

"Cần bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những DN, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cộng đồng xã hội, người lao động, người sử dụng hàng hóa, dịch vụ", đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Anh Minh

 
321 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 767
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 767
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77507494