Ràng buộc trách nhiệm bằng cam kết
Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, từ năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Trị thí điểm thực hiện ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ, của đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung cam kết đi sâu vào các nhiệm vụ trọng tâm, đầu việc cụ thể, có sự gắn kết trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới trong triển khai thực hiện để hướng tới mục tiêu chung. Mỗi cấp ủy và người đứng đầu các địa phương, đơn vị còn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy "đặt hàng" thêm từ ba đến bốn nhiệm vụ trọng tâm,
để địa phương phải phấn đấu thực hiện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội hoặc khắc phục các hạn chế tại địa bàn. Kết quả của việc thực hiện thí điểm cam kết ở 10 huyện, thành phố, thị xã trong năm 2017 là, các đơn vị cấp huyện đều thử nghiệm thành công các mô hình mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Những khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nêu trong kiểm điểm năm trước thì năm sau phần lớn đã được khắc phục.
Gần hai năm trước, khu dân cư Tân Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh chọn để xây dựng thành một trong hai khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Song người dân lại không đồng ý việc này. Trước tình thế nan giải, đích thân đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng Bí thư Ðảng ủy xã Cam Hiếu đến tận nhà dân thăm hỏi, chia sẻ, vận động, giải thích cho người dân hiểu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, sẽ được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần, chất lượng sống được nâng cao. Ðồng chí Bí thư Huyện ủy Ðào Mạnh Hùng cam kết chịu trách nhiệm trước Ðảng bộ huyện và Ðảng bộ tỉnh, nếu cuộc vận động không có kết quả.
Lần vận động thứ nhất, nhân dân vẫn không đồng ý. Ðến lần vận động thứ hai, một vài hộ dân bắt đầu hiểu ra chủ trương nêu trên là đúng và ủng hộ, góp sức; dần dần lan tỏa nhận thức trong toàn khu dân cư. Sau gần hai năm xây dựng, Tân Hiếu đã trở thành một trong hai khu dân cư đầu tiên của Quảng Trị được công nhận khu dân cư kiểu mẫu. Với phong cách lãnh đạo nhiệt huyết, trách nhiệm và có nhiều cách làm sáng tạo, huyện Cam Lộ luôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2019 sẽ trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Từ những kết quả đó, năm 2018, Tỉnh ủy quyết định mở rộng đối tượng ký cam kết đến người đứng đầu tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh với 61 đầu mối. Nội dung Tỉnh ủy "đặt hàng" trong cam kết của cấp dưới có thể là ý tưởng, gợi ý để phát huy sự sáng tạo, năng động của lãnh đạo các ngành, địa phương. Sau khi ký cam kết, các đơn vị có sự chuyển biến khá rõ nét về tinh thần chủ động, sáng tạo, đem lại kết quả tích cực, khá toàn diện trên các mặt công tác.
Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nội dung cam kết trách nhiệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy phát triển nông nghiệp hữu cơ làm điểm nhấn. Ðồng chí Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở cho biết, nhờ tích cực chỉ đạo, đôn đốc việc tích tụ ruộng đất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đối với các loại giống cây, con mới, cho nên năng suất, chất lượng được nâng cao. Năm 2018, tốc độ phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 5,56%, tăng gấp hai so kế hoạch đề ra, sản lượng lương thực đạt gần 290 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Việc ngành chức năng quyết liệt vận động doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển nông nghiệp hữu cơ và bao tiêu sản phẩm góp phần đưa Quảng Trị nằm trong tốp những địa phương có tỷ lệ nông nghiệp hữu cơ cao nhất cả nước.
Hướng về cơ sở, tập trung vào việc cụ thể
Không chỉ mở rộng đối tượng cam kết, Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ, người đứng đầu, hướng về cơ sở, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Năm 2018, ở địa phương nổi cộm vấn đề giá vé qua trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A (nằm giữa trung tâm tỉnh). Nếu không giải quyết kịp thời sẽ nảy sinh điểm nóng. Xác định đây là vấn đề phức tạp, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã chủ động gặp gỡ, đối thoại, vận động nhân dân bình tĩnh tìm phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Các đồng chí giám đốc, phó giám đốc sở đàm phán nhiều lần với đại diện Cục Ðường bộ, Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư để vừa bảo đảm đúng quy định, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Sau nhiều lần đàm phán đã có kết quả, giảm phí qua trạm BOT trong bán kính 10 km, tính từ trạm thu phí. Cụ thể, xe buýt được giảm 100%, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh giảm 50%, các loại phương tiện khác giảm 40%. Ðây là mức giảm hợp lý, có lợi cho người dân mà cũng không thiệt thòi cho doanh nghiệp. Ðồng chí Lê Ðức Tiến, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ: Sự vào cuộc của tập thể lãnh đạo sở với tinh thần trách nhiệm cao, không quản khó khăn, nắm bắt kịp thời tình hình địa bàn phụ trách, chọn việc "nóng", chỉ đạo giải quyết quyết liệt, cho nên tình hình ở trạm BOT trên quốc lộ 1A ở địa bàn Quảng Trị được tháo gỡ.
Ðồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đánh giá, qua hai năm thực hiện, vai trò, ý nghĩa của việc cam kết trách nhiệm người đứng đầu đã thấm sâu vào nhận thức và hành động của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, đồng thời lan tỏa đến những cán bộ, đảng viên, chuyên viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo ra sự chuyển động khá rõ nét về kỷ cương, kỷ luật, nền nếp, tác phong của đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động. Từ đó góp phần thúc đẩy ý thức tự học, tự rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, sao cho thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Cũng thông qua việc cam kết trách nhiệm đã tạo được cách nghĩ, cách làm mới, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất, năm 2018 tỉnh Quảng Trị hoàn thành tất cả 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, trong đó 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số cán bộ lãnh đạo chưa thật sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm. Một số cá nhân và tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị đăng ký nội dung cam kết còn chung chung, chưa xác định rõ vấn đề trọng tâm, khâu khó, khâu yếu của địa phương, đơn vị, cho nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, kết quả công việc còn mờ nhạt… Ðồng chí Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân. Ðể có cơ sở pháp lý xem xét trách nhiệm người cán bộ không thực hiện đúng nội dung cam kết, Thường trực Tỉnh ủy giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tham mưu xây dựng Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã cam kết. Có như vậy, mới bảo đảm tính thực chất và hiệu quả việc phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu.