Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.

Cụ thể, Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của Bộ Chính trị (khóa XII).

Khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận và các đoàn thể

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW năm 2013 về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân được Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2016). Việc ban hành 2 Quyết định này vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là nguyện vọng của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ xã hội.

Hơn ba năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của Nhân dân.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TH)

Hội nghị đánh giá, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt đã thực sự đi vào cuộc sống của Nhân dân. Ở Trung ương, MTTQ phối hợp 10 Bộ, ngành triển khai 9 chương trình giám sát ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp… 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện. Qua giám sát kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện. Quyết định 217, 218 đã mở ra cơ hội để MTTQ và các đoàn thể thực hiện quyền giám sát, phản biện biện xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện 2 Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị của hệ thống MTTQ Việt Nam vẫn còn những hạn chế: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên chưa bài bản, công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế, quy trình thống nhất thể hiện quan hệ của 4 bên: Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên; các cơ quan quản lý nhà nước; đối tượng được giám sát; cấp ủy các cấp...

Tại Hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước đã tập trung đánh giá đúng thực trạng công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 2118-QĐ/TW về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; cũng như sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Nhất định phải có sự tham gia giám sát của Nhân dân

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 khá tích cực và có nhiều kết quả ý nghĩa. “Trong cơ chế chính trị hiện nay, việc giám sát, phản biện đóng vai trò quan trọng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân phải có quyền, trách nhiệm tham gia đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền. Trong hệ thống quản lý khi có chỉ huy thì phải có kiểm tra và giám sát. Hoạt động của chính quyền cả nước liên quan đến hơn 11 nghìn phường, xã trên cả nước, đến hàng triệu doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào bộ máy kiểm tra thanh tra chuyên trách của chính quyền các cấp thì việc kiểm tra giám sát không thể được thực hiện đầy đủ đến các đối tượng liên quan đến cuộc sống người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính vì vậy việc giám sát có yêu cầu bức bách cả về ý nghĩa quản lý và ý nghĩa chính trị” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí 100% thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần cụ thể về cơ chế đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: TH)

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã nỗ lực không ngừng trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tại nhiều tỉnh đã có những mô hình hay, cách làm tốt, là cơ sở, tiền đề để Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới…Lấy ví dụ từ hoạt động thanh tra, giám sát việc cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân bón, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp, lực lượng thanh tra về nông nghiệp trên cả nước không thể giám sát hàng vạn đầu mối. Nhưng không ai tai mắt bằng nhân dân, chính vì vậy để thực hiện tốt điều này nhất định phải có sự tham gia giám sát của Nhân dân. “Giám sát phản biện về góc độ quản lý là giám sát khách quan”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

“Không làm giám sát, phản biện thì đất nước sẽ ngày càng khó khăn trong việc xa dời dân, quan liêu, sai phạm không thể khắc phục được. Chính vì vậy, những vấn đề lớn của xã hội, bộ máy của Đảng, Nhà nước chỉ giám sát một số lượng không lớn, còn giám sát toàn diện chính là phải thông qua người dân và tổ chức của mình” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.

Qua thực tiễn giám sát, Mặt trận sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi với chính quyền cấp uỷ để chọn vấn đề giám sát để từ đó đảm bảo được lực lượng, xác định được các vấn đề trọng tâm, tạo được sự đồng thuận, đồng tình trong giám sát từ đó mới đưa ra được chính sách chế tài. Vì hiện nay giám sát của Mặt trận là giám sát không có chế tài, chính vì vậy muốn chế tài được thì giám sát của Mặt trận phải chuyển qua chính quyền các cấp phụ trách đơn vị giám sát để xử lý…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương xây dựng, phát hành cuốn ''Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam" nhằm giúp cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện, thực tế về công tác giám sát phản biện xã hội; có hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội 2017 - 2020 trong hệ thống MTTQ Việt Nam và hệ thống Đảng các cấp. Hằng năm, hai bên phối hợp sơ kết công tác giám sát, phản biện xã hội để các hoạt động này đi vào nền nếp, có các có sở pháp lý hoàn chỉnh, phát huy tác dụng xã hội ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2018 và 2020, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương có báo cáo Ban Bí thư về tình hình và kết quả triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội trong toàn hệ thống chính trị để được Ban Bí thư chỉ đạo tiếp tục triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao…/.

Thu Hà