Phát huy vai trò người cao tuổi trong phòng, chống thiên tai 

(Chinhphu.vn) - Ngày 27/9, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc "Chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt về đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng".

 

Hội thảo cho thấy kinh nghiệm của người cao tuổi trong phòng chống thiên tai có hiệu quả ở nhiều địa phương - Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Hội thảo có sự tham gia của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam.

Giai đoạn 3 của Dự án Tăng cường chống chịu thiên tai tại miền Trung đã được Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai từ năm 2019 đến 20 xã, phường thuộc 10 huyện, thị xã của 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Dự án đã nghiên cứu việc đưa người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Theo đánh giá chung, dự án đã đem lại nhiều kết quả tích cực; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động chính sách, đặc biệt là phát huy vai trò tham gia của người cao tuổi thông qua các hoạt động như: Thu thập thông tin đánh giá rủi ro thiên tai; tổng hợp nhu cầu của người cao tuổi ở cộng đồng; vận động và phân phát nguồn lực hỗ trợ người cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt năm 2020 ở khu vực miền Trung…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các đại biểu đề xuất kéo dài thời gian và nhân rộng mô hình đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ra các địa bàn khác trên toàn quốc để phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi. Từ đó, giảm tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi về sức khỏe, an sinh và thu nhập.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, năm 2019, nước ta có hơn 11,4 triệu người cao tuổi (gần 12% dân số) và dự báo sẽ tăng lên khoảng 18 triệu người vào năm 2030. Nếu được tạo điều kiện tham gia, người cao tuổi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Ông Phan Văn Hùng nhấn mạnh: "Hiện nay, trong cơ cấu dân số có 60% là người cao tuổi (trong độ tuổi từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi), đây là độ tuổi có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt có uy tín trong cộng đồng và trong gia đình. Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tập hợp được hơn 9,7 triệu hội viên và có mặt ở các cấp xã, phường, thôn, bản trên cả nước. Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi sẽ có đóng góp nhiều cho công tác phòng, chống thiên tai nếu được cung cấp thông tin và nguồn lực”.

Một số ý kiến tại Hội thảo đề nghị cần cụ thể hóa hoạt động của tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam với công tác phòng, chống thiên tai nhằm giảm nhẹ rủi ro. Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là cần tập huấn nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức làm việc trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai về tính dễ bị tổn thương và vai trò, khả năng đóng góp của người cao tuổi trong công tác này.

Bà Trần Bích Thuỷ nêu ý kiến: “Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của các cấp, các ngành. Việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chỉ thành công nếu mỗi tổ chức thực hiện nội dung này trong các hoạt động, chương trình phòng chống thiên tai của tổ chức mình. Điều này càng cấp thiết hơn bao giờ hết khi thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mà người cao tuổi là một trong các nhóm có rủi ro cao nhất trong cả thiên tai và dịch bệnh”.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới chịu nhiều rủi ro về thiên tai và biến đổi khí hậu, mỗi năm trung bình phải hứng chịu hàng chục trận bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định, công tác phòng chống thiên tai là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn dân và lấy người dân làm trung tâm. Đó cũng là quan điểm và chỉ đạo của Chính phủ trong “Chiến lược phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.

Đỗ Hương

200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1084
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1085
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87173006