Trong những năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Kinh tế tập thể, HTX luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM, trong những năm qua cùng với tiến trình đi lên của cả tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác phát triển mà trọng tâm là xây dựng HTX kiểu mới theo hướng liên kết chuỗi, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU, ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trọng tâm là Quyết định số 2299/QĐ-UBND, ngày 23/8/2017 về việc ban hành tiêu chí phân loại, đánh giá HTX nông nghiệp kiểu mới giai đoạn 2017- 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM cho cán bộ, thành viên HTX; qua đó thấy rõ được vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Tỉnh đã có các chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh đã phát động phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020”; hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 295 hợp tác xã nông nghiệp và 01 liên hiệp HTXNN, với 73.000 thành viên, doanh thu bình quân 1.000 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/HTX; 90% HTX là dịch vụ tổng hợp và 10% hợp tác chuyên ngành (lợn, thủy sản, cà phê, cao dược liệu..). Có 88% HTX quy mô thôn hoặc liên thôn; 4% HTX được thành lập với các nhóm cá nhân; 8% HTX có quy mô cấp xã, hoặc liên xã. Có 8% cán bộ có trình độ Đại học, cao đẳng; 47,3% cán bộ trình độ trung cấp, sơ cấp, còn lại chủ yếu bồi dưỡng ngắn hạn. Có 16% xếp loại tốt, 33,8% xếp loại khá, 45,6% loại trung bình và 4,6% loại yếu. Là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí về HTX kiểu mới (đến nay toàn tỉnh có 30 HTX được UBND tỉnh công nhận HTX kiểu mới và song hành với việc thí điểm 05 cán bộ có trình độ Cao đẵng, Đại học về làm việc tại 5 HTX của 4 huyện giai đoạn 2018- 2021). Có thể khẳng định đây là 30 hợp tác xã đầu tiên của tỉnh đã có những thành tích nổi bật, những bước đi mới, cách làm hay đáp ứng sự kỳ vọng và lợi ích chính đáng của thành viên, người lao động; các HTX đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho thành viên.
Bên cạnh đó, không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, điển hình như HTX Phú Hưng, Kinh Môn, Quang Hạ, Cam An…Nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như: hồ tiêu, cà phê, sản xuất rau củ quả công nghệ cao, cao dược liệu, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, canh tác lúa theo hướng tự nhiên... Các hợp tác xã này tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đây thực sự là hướng đi có hiệu quả trong xây dựng hợp tác xã kiểu mới, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với liên kết và tiêu thụ nông sản giúp cho bà con nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của các HTX vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thiếu nguồn lực để hoạt động, đặc biệt là nguồn tài chính, khả năng huy động vốn hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít, chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, chưa mạnh dạn để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trình độ cán bộ HTX còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay, thiếu kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường...
Vì vậy, thời gian tới, để phát huy tối đa vai trò của các HTX trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề các, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, số HTX được thành lập mới từ 20-25 HTX, 1- 2 liên hiệp HTX; phấn đấu có 70 - 80% HTX xếp loại khá, 100% HTX hoạt động có hiệu quả (tốt, khá); có trên 20 HTX ứng dụng công nghệ cao và 15-20% HTX có nội dung hoạt động theo liên kết chuỗi với doanh nghiệp, các cấp, các cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với kinh tế HTX. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về kinh tế tập thể.
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX nông nghiệp theo kế hoạch đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của tỉnh. Hỗ trợ thành lập mới các HTX nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục thực hiện chính sách đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ HTX và cán bộ quản lý Nhà nước về HTX.
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển HTX. Ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX theo ký kết hợp đồng. Ưu tiên đầu tư cho hoạt động chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các xã có sản phẩm chủ lực mang lợi thế cạnh tranh theo đề án OCOP.
Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là một giải pháp quan trọng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, mô hình kinh tế hợp tác, HTX là sự lựa chọn thích hợp để các hộ cá thể thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Tân Linh