Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát việc chấp hành
pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân tại Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội. (Ảnh:TH)
Tập trung vào những vấn đề bức xúc
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Xác định được tầm quan trọng của công tác này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đề ra giải pháp để phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Xác định được tầm quan trọng của công tác này, 3 năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm hơn đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Sau sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, đã ban hành nhiều quy định về cơ chế, nội dung, kinh phí tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo pháp luật.
Đáng chú ý, hoạt động giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Các nội dung kiến nghị sau giám sát được Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo cơ quan tham mưu có văn bản phúc đáp. Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát; đồng thời, quan tâm hỗ trợ về kính phí bảo đảm cho hoạt động giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, MTTQ Việt Nam các cấp có các hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, đưa ra những kiến nghị thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng 10 chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Các lĩnh vực, nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam đều xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo nhân dân.
Cụ thể, Mặt trận chủ trì và phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động tư pháp và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, như: thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh; việc quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; việc thi hành án dân sự, hình sự; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân... Đặc biệt, đã giám sát cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai kết quả thanh tra ở một số bộ, ngành, địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, mặc dù kết quả giám sát được thực hiện chưa nhiều nhưng những vụ, việc được giám sát đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Những vụ việc giám sát này được nhân dân và dư luận quan tâm, đánh giá tốt, coi đây là những tín hiệu tích cực trong đổi mới công tác Mặt trận.
Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiệm vụ giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát hằng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, ký các chương trình phối hợp giám sát giữa MTTQ Việt Nam với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước có liên quan.
Theo thống kê, ba năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam ba cấp (tỉnh, huyện, xã) chủ trì 56.689 cuộc giám sát tập trung vào những việc thiết thực, liên quan đời sống, việc làm của người dân, như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội đạt kết quả bước đầu. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với hàng chục dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác; tập trung vào hoạt động tập hợp, lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật với quy mô và chất lượng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Các kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã tổ chức 30.661 cuộc phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân như: Dự thảo quyết định quy định chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù…
Hoạt động phản biện xã hội của các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình này trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân.
Phát huy vai trò chủ thể, chủ động
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng thừa nhận, công tác giám sát và phản biện còn nhiều mặt hạn chế như: nhiều nơi lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ tham mưu triển khai các nội dung công tác giám sát còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu do hạn chế về năng lực, trình độ, kinh nghiệm và phải kiêm nhiệm, triển khai nhiều nhiệm vụ công tác trong cùng một thời điểm. Một bộ phận cán bộ làm công tác phản biện xã hội còn có tâm lý ngại va chạm, không dám nêu chính kiến của mình…
Đáng chú ý, năm 2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác giám sát và phản biện xã hội nên bên cạnh những chương trình giám sát triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch, còn một số chương trình giám sát triển khai chậm so với kế hoạch; một số chương trình giám sát còn chưa tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và hướng dẫn cho MTTQ Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương thực hiện giám sát nên hiệu quả đạt được chưa cao…
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cùng đoàn công tác giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. (Ảnh:TH)
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, một số nội dung thực tế đang đòi hỏi nhưng chưa được quy định cụ thể, chưa có cơ chế để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định góp ý kiến vào bản kiểm điểm hằng năm của tập thể cấp ủy các cấp; chưa có quy định cụ thể để phát huy trách nhiệm, vai trò của ban công tác mặt trận khu dân cư trong việc nhận xét, lấy ý kiến hằng năm và đột xuất đối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống.
Nhưng có một điều đáng mừng là hiện nay, các quy định, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể, ngày 15/6/2017, Nghị quyết số 403 liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được ban hành, là cơ sở quan trọng tiếp theo để MTTQ Việt Nam triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh đến việc MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng nhấn mạnh đến việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường các hoạt động phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai các hoạt động giám sát tập trung vào một số lĩnh vực như: cải cách thủ tục hành chính; xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; về môi trường, an toàn thực phẩm… nhằm phát huy vai trò giám sát, quyền làm chủ của nhân dân, huy động sức dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực giám sát và phản biện xã hội nhấn mạnh đến việc làm tốt nhiệm vụ đề xuất thể chế hóa quy định những nội dung cần giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện. Đồng thời tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân; công khai kết luận thanh tra, tính khách quan của các chỉ số hài lòng; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; vấn đề báo chí dư luận đang quan tâm, nhân dân đang bức xúc…
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm hơn nữa tới công tác này bằng những việc làm cụ thể như bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Mặt khác, phải thật sự cầu thị, lắng nghe, có cơ chế tiếp thu ý kiến của MTTQ. Rồi có quy định cụ thể về việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp…/.
Thu Hà