Thực hiện quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền cho ngư dân về thực thi pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản; giám sát việc thực hiện của các tàu cá và ngư dân trên địa bàn; kiểm tra các tàu thuyền về chấp hành quy định…
Chấp hành đúng quy định
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 202 Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tặng cờ Tổ quốc và tuyên truyền Luật Cảnh sát biển cho ngư dân Quảng Trị. Ảnh Viết Tôn/báo Tin tức
Tại cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ngư dân Hồ Văn Thu (sinh năm 1970, trú ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) cùng các thuyền viên trên tàu cá vỏ sắt số hiệu QT-91027TS, đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho chuyến biển dài ngày.
Hơn 30 năm bám biển, ngư trường đánh bắt cá của ông Hồ Văn Thu là ngoài khơi Đà Nẵng và vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi biển của ông Thu thường kéo dài từ 3 tuần đến cả tháng và thu về hàng chục tấn cá. Khi tàu cập cảng Cửa Việt, thương lái thu mua hết cá ngay nên đây là động lực lớn để ông và các ngư dân chuẩn bị cho những chuyến đi biển tiếp theo. Theo lời ông Hồ Văn Thu, trước đây, ngư dân các địa phương chưa có sự gắn kết, phối hợp trong quá trình hành nghề trên biển, hiệu quả đánh bắt thấp. Hơn hai năm nay, kể từ khi thành lập các tổ tàu, thuyền an toàn, hoạt động có quy chế rất rõ ràng, đặc biệt các tàu cá đã lắp đặt máy phát tín hiệu giám sát hành trình, hiệu quả đánh bắt tăng lên rất rõ và các ngư dân có thể hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro.
"Ở đây, tàu nào cũng lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình theo quy định và bật liên tục trong quá trình hoạt động trên biển. Chúng tôi luôn đánh bắt đúng ngư trường theo giấy phép khai thác đã được cấp, không vượt ranh giới ra khai thác ở vùng biển nước ngoài. Thực hiện việc ghi nộp nhật ký khai thác theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng; thông báo trước 1 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi ra, vào cảng…", ông Hồ Văn Thu cho biết.
"Pháp luật Nhà nước mình đề ra, mình phải chấp hành tốt. Không có tàu nào của huyện Gio Linh xâm phạm vùng biển của nước ngoài. Đây cũng là mình góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ngư dân Hồ Văn Thu bộc bạch.
Tại cảng Cửa Việt, ngư dân Bùi Đình Thủy, chủ tàu cá QT- 90709TS, Tổ trưởng Tổ tàu, thuyền an toàn xa bờ của thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đang cùng các thuyền viên làm công tác hậu cần chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ông Thủy và các ngư dân vừa làm việc trên tàu vừa trò chuyện rất thân mật. Họ chia sẻ với nhau những lợi ích khi tham gia các tổ tàu, thuyền an toàn.
Theo ông Bùi Đình Thủy, hai xã Gio Hải, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt có có hơn 500 tàu cá, trong đó 179 phương tiện đánh bắt xa bờ. Trước đây, ngư dân đi biển đánh bắt cá không có sự ràng buộc và giữa các ngư dân thiếu sự gắn kết, thiếu phối hợp trong quá trình hành nghề trên biển. Do vậy, hiệu quả đánh bắt thấp và không thể hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro. Hiện nay, hầu hết ngư dân và các phương tiện đã tham gia vào 13 tổ tàu, thuyền an toàn. Các tổ tàu, thuyền này đều tuân thủ quy định pháp luật và hoạt động với quy chế rất rõ ràng, cứ 5 - 7 tàu cùng ra khơi trên một vùng biển, chia sẻ thông tin về trữ lượng cá và nhanh chóng cơ động đến giúp đỡ nếu có phương tiện gặp nạn.
Đặc biệt, thông qua tổ tàu, thuyền an toàn này, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động ngư dân lao động sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với việc được phổ biến pháp luật Nhà nước, ngư dân còn được tuyên truyền, giới thiệu về Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ngư dân vững tin hơn trước rất nhiều.
"Khi chúng tôi thực hiện đúng các quy định về khai thác thủy sản, đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của mình và không xâm phạm vùng biển nước ngoài, không còn cảnh lực lượng nước ngoài cắt, phá lưới ngư cụ, không dám chặn bắt tàu thuyền của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi rất yên tâm khi đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển xa thuộc chủ quyền của Việt Nam", ông Bùi Đình Thủy bộc bạch.
Bộ đội biên phòng giúp ngư dân treo cờ tổ quốc trên tàu cá. Ảnh: Viết Tôn/báo Tin tức
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Trao đổi về việc tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân làm ăn trên biển, Thượng tá Lê Văn Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt (Bội đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết: Địa bàn đơn vị quản lý hiện nay có hơn 160 tàu cá hoạt động xa bờ. Đây cũng là đối tượng chính để đơn vị tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức trong chấp hành, thực hiện đúng các quy định về IUU. Do đó, đơn vị đã tích cực triển khai, đa dạng các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt từ gián tiếp đến trực tiếp.
Các nội dung tuyên truyền, nhất là liên quan phòng, chống khai thác IUU được chuyển tải một cách cụ thể, gần gũi nhất, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, cập cảng được lực lượng Bộ đội Biên phòng chú trọng thực hiện nghiêm túc. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đăng ký xuất, nhập tàu cá ra vào cảng được thực hiện chặt chẽ. Nhất là chú trọng kiểm tra về số người thực tế đi trên tàu so với danh sách thuyền viên đăng ký trong sổ danh bạ; các loại giấy tờ liên quan đến người, phương tiện. Các tàu không đủ thủ tục, kiên quyết không cho xuất bến. Các chủ tàu, thuyền trưởng được yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản.
" Đẩy mạnh tuyên truyền về IUU, hiệu quả là rất rõ rệt, các vụ vi phạm giảm rất nhiều so với những năm trước. Hiện nay, cơ bản là bà con ngư dân chấp hành nghiêm, không có trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện. Đây là điều rất đáng mừng", Thượng tá Lê Văn Huy khẳng định.
Cũng trong thực hiện tuyên truyền về các quy định IUU cho ngư dân làm ăn trên biển, Hải đội 202 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã triển khai toàn diện công tác phòng, chống khai thác IUU với nhiều hình thức. Lực lượng của Hải đội 202 trực tiếp xuống các âu tàu, tàu cá tiến hành nhiều hình thức, đa dạng hoá công tác tuyên truyền để ngư dân, chủ tàu dễ nhớ, dễ hiểu, chấp hành nghiêm, không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Trung tá Lê Bá Nguyên, Chính trị viên Hải đội 202 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2): Bên cạnh việc phát tờ rơi các loại, tập trung tuyên truyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, đơn vị kết hợp tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, đồng thời tiến hành khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, tặng lá cờ Tổ quốc… cho các ngư dân.
Trong các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam trên khu vực biển được phân công quản lý, Hải đội 202 đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện Chương trình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" và "Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo". Qua đó, nâng cao ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển, góp phần làm giảm và tiến đến chấm dứt hoàn toàn việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trong năm 2022.
Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 2.440 tàu thuyền các loại với tổng công suất 136.900 CV. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên là 841 chiếc. Các nghề khai thác chính bao gồm lưới vây, lưới rê, chụp, pha xúc cá cơm, câu, mành… với gần 6.900 lao động làm việc trên các tàu cá. Nhằm góp phần gỡ "thẻ vàng" của EC, cơ quan chức năng và các địa phương ven biển đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong việc chống khai thác IUU. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua hệ thống giám sát tàu cá được thực hiện nghiêm túc. Chính vì vậy, đến nay, toàn tỉnh không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.