Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng ở các xã vùng ven biển trong phát triển kinh tế ở Quảng Trị 

Đảng ta xã định tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định “Để lãnh đạo cách mạng Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt”. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ có vai trò hết sức quan trọng, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của TCCSĐ, Đảng ta đã có Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15/10/2007, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở phường, thị trấn và Quy định số 95-QĐ/TW, ngày 3/3/2004, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở xã. Trên cơ sở các quy định của Trung ương, ngày 21/7/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành 2 quy định: Quy định số 03-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trực thuộc đảng ủy phường, thị trấn; Quy định số 04-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trực thuộc đảng ủy xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chi bộ thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Quảng Trị hiện có 141 xã, phường, thị trấn, trong đó có 12 xã và 2 thị trấn thuộc vùng ven biển ở 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Tại 14 xã, thị trấn này đã thành lập đảng bộ cơ sở với 146 chi bộ trực thuộc với số lượng đảng viên 2.499 đồng chí. Trong đó, đảng bộ xã có số lượng đảng viên đông nhất là Vĩnh Giang với 321 đảng viên, đảng bộ có ít đảng viên nhất là Hải Khê với 80 đảng viên.

Thực hiện các quy định của Trung ương và của Tỉnh ủy, thời gian qua các TCCSĐ ở các xã, thị trấn ven biển tỉnh Quảng Trị đã xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, cấp ủy đảng ở các xã, thị trấn ven biển, tỉnh Quảng Trị thể hiện được vai trò của mình trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong phát triển kinh tế, bằng việc huy động các nguồn lực khác nhau, các xã, thị trấn vùng ven biển được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư rất lớn về nguồn vốn và cơ sở hạ tầng như: Xây dựng tuyến đường kết nối các xã, thị trấn ven biển; cơ sở hậu cần nghề cá; các điểm du lịch dịch vụ ở Cửa Việt, Cửa Tùng; quy hoạch xây dựng các cảng biển Cửa Việt, Mỹ Thủy; đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử; tập trung các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề, tổ chức xuất khẩu lao động... Dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương và bám sát các chỉ tiêu của nghị quyết đại hội đảng bộ xã, thị trấn, của cấp trên, các cấp ủy đảng ở các xã ven biển đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành, các lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đầu tư trang bị tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt hải sản xa bờ,… Đồng thời, lãnh đạo chính quyền cùng cấp cụ thể hóa các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội, tạo thêm việc làm mới cho người lao động, quản lý và sử dụng tốt các nguồn vốn vay, vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác; phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, đô thị văn minh.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, thiết thực, sự quan tâm đầu tư của các cấp các ngành vì thế kinh tế ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Kinh tế phát triển kéo theo các hoạt động văn hoá, xã hội được quan tâm và triển khai tích cực từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào xây dựng làng, xã văn hoá; cơ quan, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá được phát huy rộng rãi và có chiều sâu. Quốc phòng - an ninh vùng biển được giữ vững, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng.

Nhờ vậy, diện mạo của các xã, thị trấn ven biển ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đổi thay, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển vừa qua, Quảng Trị có 16 xã thị trấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các cấp ủy đảng ở cơ sở đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đồng thời lãnh đạo chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực nhằm ổn định cuộc sống cho nhân dân bằng cách phát triển trồng trọt, chăn nuôi... Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong thời gian tới, các xã, thị trấn ven biển tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản có quy mô lớn, xây dựng thương hiệu gắn liền với xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý nước thải sau chế biến… nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của địa phương.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở các xã, thị trấn ven biển cũng được quan tâm đẩy mạnh. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, các đơn vị thực hiện việc phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành, phụ trách, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ cho cơ sở và gắn trách nhiệm đối với các tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả hoạt động của đảng bộ làm cơ sở để xếp loại cuối năm đối với cán bộ, đảng viên; đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Tính đến nay, trong số 12 TCCSĐ các xã, thị trấn ven biển số đảng bộ được xếp loại trong sạch, vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu chiếm tỷ lệ cao, không có đơn vị xếp loại yếu kém.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vai trò của các TCCSĐ trong phát triển kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.  Cụ thể, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, còn nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế còn chưa đúng và trúng với thực tế địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vẫn đang còn chậm. Kinh tế phát triển vẫn chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Mặt khác, ý thức sinh hoạt đảng của một bộ phận đảng viên thiếu nghiêm túc; công tác tự phê bình và phê bình chưa thật sự dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, có nơi còn bị ràng buộc bởi dòng họ, “phe cánh” dẫn đến tình trạng dĩ hòa vi quý, làm mất tính khách quan của tự phê bình và phê bình; một số đảng viên sống thiếu mẫu mực, ngại tiếp xúc với quần chúng, tiêu cực…vì vậy, đã ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt và vai trò lãnh đạo của chi bộ.

Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong phát triển kinh tế ở các xã, trị trấn ven biển trong thời gian tới trước hết, cần phải tăng cường giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho mọi đảng viên. Trên cơ sở đó, nêu cao trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên trong lao động sản xuất, công tác, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm, thật sự là tấm gương để quần chúng noi theo, nhất là tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong toàn cán bộ, đảng viên và toàn dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần xây dựng các nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển kinh tế biển trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao năng lực nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết, TCCSĐ cần phân công rõ trách nhiệm của từng cấp uỷ viên, đảng viên, nhất là trách nhiệm của bí thư và phó bí thư cấp ủy. Coi trọng việc thống nhất hình thức, phương pháp giải quyết các mối quan hệ công tác, nhất là mối quan hệ giữa bí thư cấp ủy với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; giữa bí thư cấp ủy với đảng ủy bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tránh biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, lạm quyền, hay không giải quyết tốt các mối quan hệ.

Thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng để phản ánh kịp thời cho cấp ủy, tổ chức đảng giải quyết, tránh để bất ngờ về tư tưởng. Nắm bắt thông tin kịp thời, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác diễn biến của tình hình để kịp thời bổ sung, điều chỉnh nội dung, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng phù hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng để kịp thời phát huy những ưu điểm, hạn chế, khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm. Nâng cao năng lực đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết.

Đẩy mạnh sơ kết, tổng kết, các cấp ủy, tổ chức đảng mới có thể đánh giá đúng kết quả thực hiện nghị quyết để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng trong thời gian tới. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết cần thực hiện nghiêm túc, đề cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Thông qua sơ kết, tổng kết phải chỉ ra được ưu điểm, kết quả đạt được để phát huy, đồng thời phải thấy được hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế, khuyết điểm tồn đọng kéo dài để có biện pháp khắc phục. Có như vậy nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng mới đi vào cuộc sống.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với mọi mặt hoạt động ở cơ sở. Thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, thực hiện tự phê bình và phê bình đi đôi với tăng cường quản lý đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền. Qua đó, kịp thời biểu dương những điển hình làm giỏi, những gương đảng viên phấn đấu tốt; xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm đạo đức, vi phạm những điều đảng viên không được làm và pháp luật của Nhà nước.

Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, nhất là việc góp ý kiến, phê bình cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết được toàn dân, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương một cách sáng tạo, hiệu quả nhất. Thông qua phong trào hoạt động của quần chúng để phát hiện những ngưòi ưu tú, thật sự tiêu biểu, gương mẫu trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất, tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, tăng cường sức trẻ cho Đảng. Trần Văn Toàn, Trường Chính Trị Lê Duẩn Quảng Trị

811 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1138
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 1140
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76813916