Với vai trò là nền tảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, các chi bộ đảng ở các vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, đổi mới cách thức và nội dung sinh hoạt từng bước khẳng định được vai trò của mình. Cùng với đánh giá chung, kết quả công tác, hoạt động của chi bộ, chi ủy, các chi bộ đã sinh hoạt theo chuyên đề, bàn sâu các vấn đề cụ thể đặt ra, thu hút được nhiều ý kiến đảng viên tham gia, qua đó, vừa giải quyết được những vấn đề ở cơ sở, vừa nâng cao trách nhiệm của đảng viên. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, các chi bộ đã dành thời gian để đảng viên thảo luận những nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng của đảng viên.
Các buổi sinh hoạt chuyên đề đã từng bước tập trung vào những nội dung thiết thực, gần gũi, gắn với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, xây dựng nhà văn hóa khu, làm đường bê tông nông thôn, tham gia đóng góp các loại quỹ, phát triển sản xuất....Tuỳ vào điều kiện và tình hình thực tế ở các chi bộ, các chi ủy có thể lựa chọn một hoặc mốt số vấn đề cần thiết, trọng tâm để sinh hoạt chuyên đề. Việc duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ đã góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, giúp các đảng viên kịp thời nắm rõ tình hình địa phương.
Để những buổi sinh hoạt chi bộ đạt được kết quả cao đảng ủy các xã đã phân công các đồng chí thường vụ phụ trách cụm, chi bộ “nắm” làng, mỗi đảng viên theo “nắm” từng nhóm hộ. Từ sự phân công ấy, chi bộ có nhiệm vụ chính là bảo đảm công tác chỉ đạo, giữ vững sự ổn định tại các xóm, làng; đảng viên trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết lãnh đạo của chi bộ và các phong trào thi đua trong thôn. Đồng thời, việc giao nhiệm vụ cho đảng viên theo dõi, phụ trách các khu phố, thôn, bản cũng giúp nắm bắt tình hình địa phương, lắng nghe được nguyện vọng và ý kiến của nhân dân để phản ánh cho tổ chức đảng. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, tránh được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Nhiều đảng bộ đã thực hiện giao nhiệm vụ rõ người, phù hợp với năng lực, sở trường và ngành nghề đào tạo; thường xuyên giám nắm, đôn đốc, giao cho người có uy tín, kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ cán bộ trẻ. Qua đó tạo nên sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền với người dân.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Chi bộ nắm làng, đảng viên nắm hộ” nhiều vấn đề thông qua sinh hoạt chi bộ đã được giải quyết một cách nhanh gọn, hợp lý, hợp tình.
Sau 5 năm thực hiện với vai trò tế bào, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, các chi bộ đã không ngừng tuyên truyền, vận động nhân dân về vai trò, tác dụng của việc xây dựng nông thôn mới. Thông qua phương châm này các chi bộ đảng đã kịp thời quán triệt, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác vận động người dân tham gia thực hiện các tiêu chí. Qua đó, người dân đã thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, tình nguyện tham gia hiến cây, đất, ngày công để xây dựng quê hương. Chính những việc làm cụ thể của từng đảng viên, sự chỉ đạo, lãnh đạo nắm sao của các chi bộ đảng đã làm cho quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó xuất hiện những phong trào hay, sáng tạo; những điển hình tiên tiến; những chi bộ tiêu biểu như chi bộ thôn Kim Đâu (xã Cam An, huyện Cam Lộ); chi bộ khu phố 6 (phường 1 thành phố Đông Hà); chi bộ khu phố 3, (phường 1 thị xã Quảng Trị)… Nhờ thực hiện có hiệu quả Phong trào mà hiện trạng tiêu chí tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể, đến nay tổng số tiêu chí đạt bình quân là 14,25 tiêu chí/xã (tăng 2,55 tiêu chí/xã so với đầu năm 2016), tiệm cận với mức tiêu chí bình quân chung của cả nước; đến nay đã có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 24 xã so với đầu năm 2016); các xã miền núi hiện không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thì vấn đề tạo nguồn phát triển đảng cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập. Nhiều chi bộ đã chủ động đề ra những giải pháp mang tính lâu dài, hiệu quả. Chi ủy phân công đảng viên theo dõi đoàn viên thanh niên, hội viên các hội đoàn thể để phát hiện những nhân tố tích cực nhằm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Những kết quả bước đầu mà phương châm “chi bộ nắm làng, đảng viên nắm hộ” càng khẳng định vai trò của chi bộ đảng tại cơ sở. Đây cũng là cơ sở quan trọng để mỗi đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, nâng cao hơn nữa vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số chi bộ chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng nông thôn mới, chưa đưa những vấn đề then chốt trong xây dựng nông thôn mới ra bàn bạc, thảo luận. Một số chi bộ đảng vẫn còn mang nặng tính bảo thủ, thiếu tầm nhìn tổng thể, lâu dài và còn lúng túng, bị động, chưa huy động được sự vào cuộc của các đoàn thể nhân dân để đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới... Chính những hạn chế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các cơ sở.
Vì vậy, trong thời gian tới, để phương châm “chi bộ nắm làng, đảng viên nắm hộ”, trở thành phương châm của tất cả các chi bộ đảng ở các địa phương của tỉnh trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nhất là, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí đã đề ra.
Các cấp ủy các cấp cần coi trọng công tác cán bộ, lựa chọn các cấp ủy viên, nhất là bí thư chi bộ có trình độ, năng lực, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo. Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, căn cứ vào tình hình thực tế của khu dân cư để tìm ra những vấn đề trọng tâm, tập trung thảo luận, tìm hướng giải quyết những vấn đề bức xúc đang được người dân trong khu quan tâm.
Thường xuyên nắm chắc tình hình cơ sở; duy trì, củng cố khối đoàn kết, thống nhất là phương châm chỉ đạo xuyên suốt được các chi bộ thực hiện, đó là cơ sở để tổ chức đảng lãnh đạo, chính quyền và nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hôi của địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám nắm của Đảng, thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; có hình thức xử lý nghiêm những đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp, phát huy nội lực, đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Trần Văn Toàn- Trường Chính trị Lê Duẩn