Theo số liệu của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có hơn 68.000 cơ sở vi phạm ATTP, chiếm gần 20% tổng số cơ sở thanh tra, kiểm tra; xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.200 người mắc, 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 6-2018, cả nước có 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 284 người mắc, 190 người phải nằm viện và một trường hợp tử vong.
|
Tiểu thương ở chợ Nam Đông xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị nói không với thực phẩm bẩn. Ảnh: QT |
Trước thực trạng đó, tại nhiều địa phương, các cấp HPN có những cách làm thiết thực góp phần bảo đảm ATTP. Điển hình là mô hình hoạt động của HPN xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạng Giang cho biết: “Những năm gần đây, người dân ở xã Tân Hưng đã thay đổi nhận thức về ATTP khá rõ rệt. Nhiều chị tìm hiểu, học hỏi cách trồng các loại rau, cây ăn quả sạch. Người có kinh nghiệm hướng dẫn cho bà con trong thôn, xóm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình hình sức khỏe của người thân trong gia đình”.
Một trong những người tiên phong giúp bà con thay đổi cách nhìn về thực phẩm sạch tại xã Tân Hưng là chị Vũ Thanh Hoa, ở thôn Cây Táo Tân Thành. Từ một hộ gia đình cận nghèo, đời sống khó khăn, chị Hoa được HPN xã giới thiệu đi học lớp tập huấn về mô hình trồng cây ăn quả sạch tại Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Năm 2017, chị Hoa thành lập tổ phụ nữ liên kết cung cấp trái cây sạch thôn Cây Táo Tân Thành, với 20 thành viên. Ban quản lý tổ phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả để cung ứng các loại giống và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Từ đó, nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tại gia đình, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời biết cách sản xuất rau quả an toàn, giảm ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.
Ở tỉnh Quảng Trị, các cấp HPN tổ chức những lớp tập huấn chăn nuôi gà, lợn, trồng nấm cho các học viên là hội viên, phụ nữ. Qua đó, chị em được trang bị kiến thức và thực hành một số nội dung kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho gà, lợn; kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, quy trình trồng nấm chất lượng cao, ATTP. Sau lớp tập huấn, nhiều chị em bắt tay vào chăn nuôi, sản xuất, tập trung xây dựng mô hình, hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Cùng với tăng cường hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi cho sản phẩm sạch, các cấp HPN còn phối hợp cùng các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đồ ăn. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN TP Hà Nội chủ trì tổ chức đoàn giám sát liên ngành về bảo đảm ATTP tại 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố, gồm 6 chợ và 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thức ăn đường phố; trực tiếp kiểm tra, giám sát thực địa, đồng thời làm việc với lãnh đạo UBND các quận, huyện và các phòng, ban, ngành chức năng của các đơn vị về công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATTP. Qua giám sát, đã phát hiện một số hạn chế và đề xuất UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định, lưu giữ mẫu thực phẩm, có sổ ghi chép việc lấy nguồn thực phẩm hằng ngày của cửa hàng; bảo đảm nguồn nước sạch trong quá trình chế biến thức ăn...
Bằng nhiều cách thức, các cấp HPN trong cả nước đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện ATTP, như: Phát động Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước tích cực thực hiện ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, tổ chức ký cam kết và xây dựng mô hình phụ nữ thực hiện “ba không” trong bảo đảm ATTP; phổ biến kiến thức cho phụ nữ về sử dụng, bảo quản thực phẩm...
Tuy nhiên, khó khăn, bất cập hiện nay là nhiều mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm do phụ nữ làm chủ vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đủ nguồn lực để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ bảo đảm ATTP; chị em vùng nông thôn khó tiếp cận các nguồn thông tin và kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; thiếu kiến thức về ATTP, trong khi trên thị trường có nhiều loại phụ gia không nằm trong danh mục, vẫn được bán công khai, khiến chị em có thể vô tình vi phạm quy định về ATTP.
Để phát huy, nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo đảm ATTP, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, cùng với các biện pháp chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên phụ nữ thực hiện ATTP; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; duy trì hoạt động các mô hình thực hiện ATTP để cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn, các cấp HPN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về Luật ATTP và các nội dung có liên quan; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi phụ nữ trong việc thực hiện ATTP; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát hiện, tố giác hành vi vi phạm về ATTP. Cùng với đó, các cấp hội tiếp tục vận động hội viên phụ nữ không sử dụng và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ, hội viên về phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình khoa học, an toàn…
KIM ANH