Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu: “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, Người đã khẳng định: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân…Đảng viên thì phải dựa vào Nhân dân mà xây dựng Đảng”. Để phát huy tốt hơn vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Đảng hiện nay, ngày 3/10/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW về ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc và đặc biệt phải dựa vào nhân dân, tạo sự đồng thuận, qua đó để dân phát huy trách nhiệm của mình là được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và triển khai thực hiện.
Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực động viên, tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ; vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền dưới các hình thức thiết thực như: Thông qua tiếp xúc cử tri, hòm thư góp ý, đường dây nóng, lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ chủ chốt ở cơ sở được dân bầu; phát huy dân chủ về quyền bầu cử, khiếu nại, tố cáo, quyền giám sát, phản biện. Định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân; tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm tại tổ chức đảng thông qua việc thực hiện Quy định 76-QĐ/TW, ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị và tự phê bình trước Nhân dân đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc có liên quan đến người dân. Đây là một phương thức quan trọng trong lãnh đạo của Đảng để phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, về sự nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật Đảng; có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa sự tham gia có hiệu quả của Nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương, đơn vị việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, biểu hiện ở một số mặt như: có những vụ việc quần chúng nhân dân nêu lên nhưng chưa được giải quyết kịp thời hoặc giải quyết không hợp tình, hợp lý, thậm chí còn có hiện tượng bao che. Việc phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến của quần chúng nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao; việc tổ chức để quần chúng góp ý kiến trực tiếp cho cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số nơi do không làm tốt công tác tuyên truyền định hướng, xử lý tốt các vấn đề mới nảy sinh nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, tổ chức khiếu kiện đông người, gây mất tình hình an ninh trật tự.
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; nhận diện 27 biểu hiện và tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cấp mình; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, cung cấp thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để dân được biết, bàn bạc; tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm việc tiếp dân định kỳ hay đột xuất.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động xây dựng quy chế làm việc định kỳ giữa đoàn thể và các cơ quan Nhà nước để đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, cần đề cao tính minh bạch, bảo đảm và tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời có hình thức khen thưởng, động viên đối với những người dân phát hiện, tố cáo các vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; đồng thời xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình trù dập người tố cáo.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đảng cần thực hiện tốt cơ chế “Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, tích cực phát huy tính gương mẫu, đi đầu trong xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của tổ chức, cấp ủy đảng. Kịp thời thông tin, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Xuân Ngọc – Trường Chính trị Lê Duẩn