Người có uy tín được Đảng ta xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “cầu nối” để gắn kết ý Đảng lòng dân, là những tấm gương để người dân ở cơ sở vững tin theo Đảng. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị rất chú trọng đến việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín, đặc biệt là người có uy tín trong đồng bào dân thiểu số làm nồng cốt vận động toàn dân chung sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có 31 xã, thị trấn gồm hai cộng đồng dân tộc chủ yếu là Vân Kiều và Pa Kô. Giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh có 2.385 lượt người được bình chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Xác định rõ vai trò, vị trí của người có uy tín và tầm quan trọng của họ đối với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị đã luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Chỉ thị 06/2008/CT-TTg, ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ người có uy tín đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động đồng bào DTTS tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở ở cơ sở ngày càng trong sạch vững mạnh.
Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động dòng tộc, người thân và người dân ở thôn, bản xóa bỏ dần các hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vận động nhân dân lao động sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đấu tranh với các âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại thôn bản, bảo vệ đường biên, cột mốc...
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua “dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS. Hằng năm trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Ban Dân vận với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ban hành các hướng dẫn, kế hoạch, đưa vào chương trình phối hợp và thống nhất hành động triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là các chính sách liên quan đến đời sống đồng bào dân tộc, miền núi; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự ở các thôn bản khu vực biên giới”; phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”; các cuộc vận động như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Ngày vì người nghèo” gắn với chương trình an sinh xã hội; duy trì và nhân rộng các mô hình trong phong trào toàn dân tham gia chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, các cấp, ngành vận động đồng bào các DTTS phát huy nội lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp của từng dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội góp phần xây dựng thôn, bản, xã nông thôn mới.
Đặc biệt, người có uy tín đã tích cực tham gia và vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng các quy ước, hương ước thôn, bản, làng. Bên cạnh đó, người có uy tín vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, đoàn kết tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Với vị thế, vai trò của mình, đội ngũ người có uy tín đã trở thành tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước. Họ thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đóng góp tích cực vào sự phát của tỉnh trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò của người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định, như sức khỏe kém, số lượng người có uy tín là đảng viên chiếm tỷ lệ thấp (6%/tổng số) dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp hành động với các tổ chức, đoàn thể trong thôn, bản. Ngoài ra, số lượng người có uy tín có điều kiện về kinh tế còn thấp, dẫn đến hiệu ứng tiên phong lan tỏa trong hướng dẫn cộng đồng phát triển sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, còn chồng chéo, chưa kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phát huy vai trò của người có uy tín...
Vì vậy, trong bối cảnh tình hình mới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo cũng như tình đoàn kết của các dân tộc anh em trong xây dựng và phát triển đất nước, do đó trong thời gian tới để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trước hết, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc. Làm tốt công tác hòa giải, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, tranh chấp trong thôn bản, tham gia thực hiện và đóng góp xây dựng quy chế dân chủ cơ sở. Tích cực tham gia sinh hoạt cùng chi bộ, các ngành đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các hội nghị của toàn dân để tham gia ý kiến về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành về tầm quan trọng của đội ngũ những người có uy tín ở cơ sở; xây dựng kế hoạch chăm lo, động viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương.
Chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn, đây là một trong những giải pháp quan trọng để giúp cho người có uy tín thực hiện tốt vai trò của mình ở cơ sở.
Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, kịp thời cập nhật thông tin chính thống cho những người có uy tín, giúp họ cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để họ phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; quan tâm phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm tin cậy để làm công tác vận động, hỗ trợ và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Hải Đăng