Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 

Ngày 23/5/2021 được Quốc hội quyết nghị là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc tham gia công tác bầu cử không chỉ được khẳng định qua thực tiễn thời gian qua mà còn được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật liên quan. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò của mình.

Những nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc trong bầu cử được Luật Bầu cử, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, đó là: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp. Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử. Chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử.

 Để thực hiện vai trò là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã khẳng định rõ vai trò của mình trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (ngày 5/2/2021) để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND tỉnh khoá VIII nhiệm kỳ 2021-2026. Theo quy định, tổng số đại biểu Quốc hội khoá XV của Quảng Trị gồm 6 đại biểu, trong đó, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương với cơ cấu định hướng 1 lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; 1 đại biểu chuyên trách; 1 đại biểu quân đội; 1 đại biểu do địa phương hiệp thương, giới thiệu phù hợp với đặc thù địa phương, có kinh nghiệm và khả năng đóng góp cho hoạt động Quốc hội; 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Riêng cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu gồm người dân tộc thiểu số giới thiệu ứng cử 2 người (dân tộc Bru Vân kiều 1 người và dân tộc Tà ôi 1 người), phụ nữ giới thiệu ứng cử 4 người, đại biểu tái cử 2 người. Tổng số đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị khoá VIII nhiệm kỳ 2021-2016 là 50 đại biểu, trong đó 28 đại biểu HĐND tỉnh được phân bố ở cơ quan cấp tỉnh, 22 đại biểu HĐND tỉnh được phân bố ở cơ quan cấp huyện. Với cơ cấu thành phần bao gồm: phụ nữ, người dưới 40 tuổi, doanh nghiệp, người ngoài Đảng, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, đại biểu tôn giáo có tỷ lệ hợp lý. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu tham dự đã thống nhất cao về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khoá XV và đã thống nhất thoả thuận tổng số người được giới thiệu ra ứng cử là 15 đại biểu, trong đó có dự kiến người tự ứng cử; tổng số người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá VIII là 100 đại biểu, trong đó có dự kiến người tự ứng cử. Tổ chức hội nghị Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị trình tự, thủ tục giới thiệu người ứng cứ đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021- 2026 (ngày 1/3/30221). Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ 24/2 đến 11/3/2021. Người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức: họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến giới thiệu người ứng cử HĐND; tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND; hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cứ đại biểu HĐND; việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu HĐND và biên bản hội nghị được thực hiện chậm nhất vào 17h ngày 14/03/2021. Đây là bước quan trọng để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh để trình tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai xem xét, quyết định.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu có chất lượng, góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từ nay đến ngày 23/5/2021, Mặt trận Tổ quốc cần xác định đây là thời gian cao điểm, cần tập trung chuẩn bị chu đáo và thực hiện các bước của quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng theo quy định. Theo đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 cần đảm bảo hoàn thành trước ngày 19/3/2021; Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 hoàn thành trước ngày 18/4/2021. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận. Phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương, tạo điều kiện để các đại biểu tham dự hiệp thương được có đầy đủ thông tin, được trao đổi, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình và có quyết định đúng đắn. Tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, để các nội dung thực hiện phải đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với Ủy ban bầu cử, các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của người ứng cử, của cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các ứng viên tham gia bảo đảm số dư theo đơn vị bầu cử. Phát huy vai trò của Mặt trận trong tổ chức các hội nghị để người ứng cử đại biểu vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật. Tiến hành kiểm tra, giám sát theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đúng luật, để nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) nhằm hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của Nhân dân. Thủy Phương

884 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 641
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 641
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77474497