|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP. |
Đây là một nội dung trao đổi tại Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội.
Ông Đào Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức dự án PPP của Đảng và Nhà nước trong những năm qua là hết sức đúng đắn và cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách hạn chế, các dự án PPP đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân thông qua việc cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bức xúc lớn nhất của dư luận là việc đầu tư nhiều dự án giao thông dưới hình thức PPP trên các tuyến quốc lộ, dẫn đến tình trạng phí chồng phí, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, còn các vấn đề về thu phí, quản lý phí thiếu minh bạch.
Ngược lại, các nhà đầu tư cũng lo ngại về tính ổn định của việc hợp tác, các dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Vì vậy, rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư.
Với lí do đó, nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu… Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của bản thân dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách như: Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Một số nguồn thu, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án PPP chưa được hướng dẫn quản lý.
Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
|
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/ Huy Thắng |
Quan kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT, đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán các dự án PPP trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
Cụ thể, một số văn bản pháp luật chưa có sự đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật KTNN. Đặc biệt tại dự thảo Luật PPP vừa qua chưa coi dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP không phải là tài sản công mà chỉ coi phần “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công và KTNN chỉ kiểm toán phần này thay vì coi cả dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP đều là tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công là đối tượng kiểm toán của
Kiểm toán viên của KTNN mới tập trung chủ yếu vào việc kiểm toán về mặt khối lượng, giá trị và thời gian thu hồi phí của dự án mà chưa đánh giá được đầy đủ giá trị nhà nước phải trả thông qua dự án khác cũng như sự cần thiết phải đầu tư bằng hình thức PPP. Công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án PPP chưa được tốt…
Ông Lê Tùng Lâm - Phó Chánh Văn phòng KTNN cho biết: Trong 3 năm 2016-2019, KTNN đã kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông.
KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán.
Trong 84 dự án, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 01 tháng 12 ngày.
Kiểm toán khoảng 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán, thậm chí, trong các dự án được kiểm toán, tổng thời gian đề nghị cắt bớt thời hạn thu phí lên tới 170 năm…
Ông Lê Tùng Lâm cho rằng nếu các dự án BOT, BT không được kiểm toán có thể dẫn tới số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên đầu người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong khi ngân sách Nhà nước bị thiệt hại.
Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách như: Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Hơn nữa quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án; tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết nhưng thiếu chế tài xử lý; việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án còn chưa thật sự nghiêm túc
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình dẫn lại số liệu kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT năm 2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính là 72.873 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công…
Dù vậy, kiểm toán những kết quả bước đầu vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, đòi hỏi chất lượng hoạt động kiểm toán và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cần ban hành Luật PPP để tạo hành lang pháp lý về hoạt động nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP trong đó có phát huy vai trò của KTNN.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) góp ý, trong dự thảo luật được thiết kế, bảo đảm KTNN cần có nhiệm vụ kiểm toán toàn bộ các khâu như: chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư các phương án tài chính kỹ thuật, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh công bằng minh bạch không…
Kiểm toán để quản lý phần tài sản công đóng góp vào dự án PPP, thành phần đóng góp của nhà đầu tư, các hạng mục trong gói thầu. Ngoài ra KTNN với các trường hợp dùng quỹ đất thanh toán, thì coi đây là tài sản công cũng phải kiểm toán được việc này…Kiểm toán hoạt động tính hiệu quả, chất lượng cơ sở hạ tầng dịch vụ công cung cấp cho người dân đúng cam kết của nhà đầu tư hay không.
Trước khi công trình kết thúc hợp đồng chuyển giao cho nhà nước theo luật quản lý tài sản công sẽ kiểm toán giá trị tài sản công giao cho nhà nước.
“Mục tiêu thiết kế được chính sách pháp luật để KTNN phát huy vai trò góp phần quản lý chặt các nguồn quản lý tài sản công của nhà nước, thu hút được nhà đầu tư nhưng phải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đánh giá xem dự án đó có đạt mục tiêu đang làm ban đầu không”, ông Nguyễn Đăng Trương góp ý.
Anh Minh