Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ xã vùng biên 

A Ngo là một trong 05 xã biên giới thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông, với 760 hộ, 2.911 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa cô, trong đó dân tộc Pa cô chiếm 90%, đời sống kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao thương, xuất - nhập cảnh giữa hai bên biên giới Việt – Lào, A Ngo được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của huyện Đakrông nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Với 7 chi hội, 419 hội viên, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã A Ngo đã cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng nhiều hoạt động thiết thực. Điểm sáng trong phong trào và hoạt động của Hội là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia các phong trào do địa phương, các cấp hội phát động; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức; tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, vượt khó khăn, tự tin tham gia lao động, sản xuất trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước không ngừng được quan tâm, chú trọng với tỷ lệ hàng năm đều đạt 100% cán bộ, 80% hội viên, 80% phụ nữ tham gia. Do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn và nhận thức hạn chế, những năm trước đây nhiều phụ nữ trong xã đã bỏ ruộng nương để xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm thuê. Cùng đó, nhiều phong tục tập quán, hủ tục của đồng bào vẫn còn tồn tại như tảo hôn, sinh con thứ 3, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, không được tham gia các hoạt động cộng đồng… Hội LHPN xã đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Đồn Biên phòng, Công an xã tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia, chủ trương, đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước, phòng, chống mua bán người qua biên giới… gắn với tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phụ nữ, thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình hạnh phúc, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… Đến nay, phụ nữ trong xã đã tích cực tham gia, vận động chồng, con và người thân bám đất, bám làng bảo vệ chủ quyền biên giới; duy trì kết nghĩa bản La Lay Lào- La Lay Việt; hàng năm có 25 chị em tham gia tuần tra phát quang đường biên cột mốc 637; 120 lượt người tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; các trường hợp xuất cảnh trái phép, sinh con thứ 3 của xã đều giảm; tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế tăng; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi (theo cân nặng) giảm xuống còn 22,81% (năm 2020); nhiệm kỳ 2016-2021 có 4/25 đại biểu là nữ tham gia làm lãnh đạo quản lý nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, HĐND, đảng viên nữ là 52 chị tăng 28 chị so với nhiệm kỳ trước trong tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ…

Một thách thức không nhỏ khác đối với các chi hội nói riêng, Hội LHPN xã nói chung là việc hỗ trợ phụ nữ vùng biên giảm nghèo bền vững. Để có cơ sở xây dựng kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ, Hội LHPN xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể rà soát, phân loại hộ nghèo theo tiêu chí mới, đặc biệt là xác định đúng đối tượng trợ giúp là hộ nghèo có sức lao động, ưu tiên hộ do phụ nữ làm chủ về kinh tế; nắm bắt nhu cầu, ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp của chị em để đề xuất các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tạo động lực, nguồn cảm hứng cho chị em phát triển kinh tế.

Được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Hội cấp trên, Hội LHPN xã A Ngo đã thành lập được mô hình “nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản”. Đây là phương thức phát triển dựa vào cộng đồng, nhằm khuyến khích sự tham gia của hộ nghèo nói riêng, cộng đồng nói chung, xây dựng khả năng tài chính, sử dụng vốn tiết kiệm tạo quỹ cho vay và quỹ xã hội để hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Khi triển khai mô hình và vận động hội viên tham gia, Hội gặp rất nhiều khó khăn, một phần do hội viên chưa hiểu hết ý nghĩa của hoạt động, phần nữa là đời sống kinh tế của gia đình hội viên còn khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy, thu nhập theo mùa vụ, kèm theo suy nghĩ “hộ nghèo thì lấy đâu ra tiền để tiết kiệm”. Qua quá trình dài tuyên truyền, vận động đến nay Hội đã triển khai  nhân rộng ra tới 32 nhóm, ở 7/7 chi hội, có 448 thành viên, trong đó 100% hội viên phụ nữ xã tham gia, số tiền quỹ đến nay đã trên 1,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: phối hợp tổ chức tập huấn hòa nhập tài chính cho nhóm tiết kiệm vay vốn thôn bản tại 7 thôn với 380 chị em tham gia; vận động quyên góp cây, con giống, ngày công giúp cho 86 hộ nghèo cùng cực với tổng trị giá 404.000.000 đồng; tham vấn, hướng dẫn kiến thức vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ 106 hộ vay vốn thông qua Hội LHPN xã với số tiền hơn 5 tỷ đồng; tiếp tục duy trì các mô hình sinh kế, gồm 3 mô hình nuôi lợn bản, 7/7 chi hội có mô hình nuôi dê sinh sản (100 con cho 50 hộ), 5 mô hình nuôi gà bản, 2 mô hình nuôi ngan, 5 mô hình vườn rau dinh dưỡng…

Với những việc làm thiết thực, cụ thể, nhiệm kỳ vừa qua tỷ lệ tập hợp hội viên năm sau luôn tăng so với số lượng hội viên năm trước, không có chi hội tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50%; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội đạt 95%, tăng 25%  so với đầu nhiệm kỳ; đã có 8 phụ nữ chủ hộ nghèo được giúp đỡ thoát nghèo, nhiều hộ điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững... Những kết quả đó đã khẳng định vị trí, vai trò của hội viên, phụ nữ xã A Ngo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng khu vực biên giới mạnh về kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hằng Nga

511 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 988
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 988
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007301