Tọa đàm thu hút sự nhiều chuyên gia kinh tế tham dự (Ảnh K.D)
Đây là vấn đề được các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” được báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 29/5 tại Hà Nội.
Hiện nay, trên thế giới, 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận. Còn ở Việt Nam, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển. Theo đó, mỗi cụm cảng ở từng vùng miền đảm nhận chuyên chở hàng hóa, trao đổi thương mại cho cả một vùng kinh tế. Theo đó, để biết được kinh tế của một nước đang tăng trưởng hay chững lại hoặc suy thoái… thì chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển với kho bãi, hàng hoá xuất nhập thì sẽ “bắt mạch” được “nhịp thở” kinh tế của quốc gia.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư 246 tỷ USD cho vận tải biển, trong đó 60% dành cho cảng biển và đội tàu biển… Ở Việt Nam, hệ thống cảng biển của cả nước hàng năm đảm nhận thông qua 550 - 570 triệu tấn hàng. Vì vậy, nhìn vào hệ thống cảng biển hiện nay sẽ biết được “sức khỏe” của nền kinh tế. “Có thể nói ưu thế của của vận tải biển với phương thức vận tải, số lượng lớn, quãng đường dài, giá thành chi phí thấp, khi kinh tế phát triển sẽ tác động đến vận tải biển phát triển và ngược lại, khi vận tải biển phát triển tốt thì thúc đẩy đến nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng nhận định: Chúng ta có lợi thế đặc biệt về mặt địa lý, địa hình tự nhiên để phát triển kinh tế biển. Cụ thể, Việt Nam có mặt tiền hướng ra biển với nhiều cửa sông có thể làm cảng biển. Đó là lợi thế lớn, nhưng thực tế chúng ta phải tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế này.
“Nhiều cảng biển để làm gì mới là câu hỏi cần trả lời. Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm nằm dọc theo đường bờ biển. Và mỗi vùng kinh tế trọng điểm này có những đặc điểm khác nhau và việc tận dụng các cảng biển đó để phát triển kinh tế như thế nào là một vấn đề lớn", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Chưa phát huy hết vai trò và lợi thế
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam luôn đặt vai trò cảng biển là động lực của sự phát triển kinh tế biển. “Nhưng theo thống kê, ta có 45 cảng biển, trong đó số cảng biển đúng nghĩa rất ít, mà nhiều bến chứ không phải nhiều cảng”, ông Nguyễn Đức Kiên đánh giá.
Chung quan đểm đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận: Ở nước ta đã có những cảng biển lớn, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm gì để khai thác, tận dụng những lợi thế đó?. “Rõ ràng, nếu không có các yếu tố khác đi kèm để khai thác các tiềm năng tự nhiên sẵn có, thì chắc chắn chúng ta vẫn sẽ nghèo về kinh tế biển. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiềm năng tự nhiên sẵn có là rất lớn nhưng việc chuyển lợi thế đó thành tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tối đa các cảng biển để phát triển kinh tế thì vẫn còn hạn chế”, ông Trần Đình Thiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ, ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển đã hậu thuẫn cho công nghiệp phát triển mạnh, thuận lợi. Nhưng đối với khu vực miền Trung thì “hậu phương” về công nghiệp còn kém, do đó sự phát triển kinh tế cảng biển cũng bị hạn chế. Đặc biệt, vùng Tây Nam Bộ là vùng trọng điểm lúa gạo, khả năng xuất nhập khẩu nông sản lớn, cần phải tận dụng hết những lợi thế cảng biển để phát triển. Để các cảng có thể hoạt động một cách hiệu quả, cần nhìn rõ các tiềm năng lợi thế phải gắn liền với phát triển các yếu tố khác đảm bảo cho cảng hoạt động, ngoài điều kiện tự nhiên.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, đối với các vùng kinh tế trọng điểm thì mỗi nơi có một đặc điểm riêng. Do đó, cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển.
Kim Dung