Phát huy vai trò của giới trẻ trong thúc đẩy chuyển đổi số 

(ĐCSVN) – ​Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, Hội nghị lần này đã phản ánh rất đúng xu thế phát triển và mối quan tâm của các quốc gia hiện nay khi phát triển bền vững...

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), phiên thảo luận chuyên đề 1 “Chuyển đổi số” được tổ chức dưới sự chủ trì của Ngài Fakafanua, Chủ tịch Nghị viện Tonga, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Khẳng định vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay

Phát biểu đề dẫn về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, bối cảnh quốc tế thời gian gần đây cho thấy mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia đã và đang bị tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi mỗi quốc gia sớm có những đánh giá và điều chỉnh hợp lý để duy trì mục tiêu phát triển của mình theo hướng nhanh và bền vững hơn.

 Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu đề dẫn về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

 Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, Hội nghị lần này đã phản ánh rất đúng xu thế phát triển và mối quan tâm của các quốc gia hiện nay khi phát triển bền vững, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để những đại biểu, nghị sĩ trẻ có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm, về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta cùng hướng tới một tiếng nói chung, cùng tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu để hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong suốt thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển của mình; được cộng đồng quốc tế ghi nhận mà nổi bật là kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các con số ấn tượng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn như, Việt Nam đã giảm mạnh tỷ lệ nghèo đa chiều, tăng tỷ lệ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận năng lượng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đạt tương ứng là 27,31% và 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và của châu Á… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực và xếp hạng 54 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Phiên thảo luận chuyên đề 1 “Chuyển đổi số” được tổ chức dưới sự chủ trì của Ngài Fakafanua, Chủ tịch Nghị viện Tonga, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.  

Phát biểu ghi hình đề dẫn, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế Tomas Lamanauskas cũng khẳng định, việc tận dụng sức mạnh của công nghệ số để cứu lấy hành tinh, đưa quỹ đạo trở lại đúng hướng, đồng thời đưa thế giới vào con đường thịnh vượng, bền vững là vô cùng quan trọng. Quản lý rủi ro và công nghệ số đã chứng minh được sức mạnh của mình và đã thay đổi cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới theo hướng tốt đẹp hơn...

Công nghệ số cũng có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết hậu quả của khủng hoảng biến đổi khí hậu; tăng cường hiệu suất trong giao thông vận tải; hỗ trợ quản lý thiên tai;... Công nghệ đã trở nên không thể thiếu trong thế giới ngày nay, thế nhưng 1/3 nhân loại vẫn chưa biết đến mạng. Đây thực sự là sứ mệnh của UNESCO để thúc đẩy quyền truy cập toàn cầu an toàn và bền vững.

Theo Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới nổi đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nên việc bắt kịp khoảng cách số hoá đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó nhấn mạnh, để có thể được tác động và hưởng lợi từ công nghệ mới, các nghị sĩ cần phải kết nối trước tiên với tư cách là chính trị gia và thuộc thế hệ chuyển đổi số.

Chia sẻ của nghị sĩ các nước về chuyển đổi số

Tại phần thảo luận, các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.

 Đại biểu của Cuba phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu của Cuba chia sẻ, là một quốc gia châu Mỹ, thời gian qua, Cuba nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc quy định trong Hiến pháp, các văn kiện của Đảng. Quốc hội Cuba cũng chia sẻ với những nỗ lực của Chính phủ thông qua nhiều luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh những thách thức các nước phải đối mặt hiện nay, đại biểu của Cuba cũng chia sẻ những khó khăn của Cuba khi phải đối mặt các hình thức bao vây cấm vận cản trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ. Do đó, đại biểu Cuba đánh giá cao sáng kiến về nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này nhằm tăng cường vai trò của thanh niên, của nghị sĩ trẻ.

Đại biểu Cuba đề xuất xây dựng nhóm hợp tác liên nghị viện cho các nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị sĩ trẻ. Bày tỏ trân trọng khi tiếng nói của Cuba được lắng nghe tại Hội nghị lần này, đại biểu Cuba khẳng định cam kết của Cuba sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường hợp tác số vì lợi ích cho người dân Cuba cũng như người dân toàn thế giới.

Nghị sĩ Peru đánh giá cao nội dung thảo luận của Hội nghị, qua đó thấy được vai trò của giới trẻ trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số. Theo Nghị sĩ Peru, thế giới đang ở trong bối cảnh mới, thông qua chuyển đổi số, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để tìm ra những giải pháp cần thiết và bền vững để giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay. Để làm được điều đó, Nghị sĩ Peru cho rằng cần có sự ủng hộ, tham gia của giới trẻ. Theo đó, cần tạo ra cơ hội để người trẻ được tăng cường kỹ năng số và tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách.

 Nghị sĩ Timor Leste phát biểu tại phiên thảo luận.

Nghị sĩ Timor Leste cho biết, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chi phí internet tại Timor Leste vẫn đắt nhất trên thế giới. Vì vậy, nghị sĩ Timor Leste mong muốn các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm đã từng trải qua khó khăn về chính sách này và đề xuất giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, nghị sĩ Timor Leste nêu rõ, Quốc hội nước này đã xây dựng và phát triển đạo luật về bảo vệ trẻ em và chống tội phạm mạng để đối phó với việc xâm nhập mạnh mẽ trên Internet. Nghị sĩ Timor Leste hy vọng các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế đạo luật bảo vệ phụ nữ trên môi trường mạng để quốc gia này tham khảo và thực hiện tại Timor Leste.

Nghị sĩ Ukraina cho biết, lần cuối cùng có vinh dự được tham dự sự kiện lớn này là từ năm 2017. Từ đó đến nay, Ukraina đã xảy ra nhiều biến cố, thay đổi nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Ukraine vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng số để bảo vệ người dân, đảm bảo công dân tiếp cận được với các dịch vụ số. Ukraina cũng có đội ngũ Nghị sĩ trẻ khá đông, và rất tích cực trong việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng hộ chiếu điện tử trên điện thoại, đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân. Người dân có thể dễ dàng đăng ký và thực hiện các thủ tục, dịch vụ công thông qua điện thoại thông minh. Ukraina cũng hợp tác với nhiều quốc gia trong vấn đề này, trong đó có các quốc gia châu Á.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam cũng đã hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến chuyển đổi số (như về thanh toán điện tử, các chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia…)… Trong hoạt động của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam cũng đã giảm dần việc sử dụng tài liệu giấy và chuyển sang sử dụng các tài liệu mềm. Thông qua Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam mong muốn học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm của các Nghị viện thế giới.

Trong chiều 15/9, Hội nghị sẽ thảo luận chuyên đề 2 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Nhóm phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật phiên thảo luận này./.

 
Kim Thanh - Kiều Giang
484 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 963
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 963
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87073170