Tiếp nối và phát huy truyền thống của dân tộc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta khẳng định: Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho mục tiêu phát triển của tỉnh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội.
Quán triệt quan điểm đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức. Năm 2002, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thành lập và được xác định là một trong những tổ chức hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; các huyện, thị ủy, thành ủy; đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương, tạo dựng được môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, thúc đẩy phong trào ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao; nhân rộng các đề tài nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống. Điều này, đã được thể hiện: Năm 2002, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Đề án quy hoạch cán bộ, thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý”; “Đề án một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng cán bộ”; năm 2007, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007 - 2015”; năm 2008, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khoá X, “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”; năm 2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, về quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND, ngày 26/9/2013 về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị... Năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026…
Mặc dù nguồn lực của tỉnh còn mức độ nhưng ngân sách tỉnh đầu tư cho khoa học và công nghệ hàng năm, năm sau cao hơn năm trước[1]. Tỉnh có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng quỹ phát triển khoa học công nghệ. Thông qua các chương trình hợp tác khoa học và công nghệ với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước và các tỉnh lân cận của nước bạn Lào, Thái Lan và một số nước trong khu vực đã tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tiếp cận, mở rộng môi trường hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp và góp phần rèn luyện đội ngũ trí thức trong thực tiễn. Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng phát huy năng lực, trí tuệ sáng tạo. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tạo điều kiện cho trí thức đi tham quan học tập, tập huấn, dự các hội thảo chuyên môn nâng cao nghiệp vụ; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc.
Đáp lại sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cùng với đội ngũ trí thức cả nước, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Đến nay, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh có 38 tổ chức hội thành viên, trong đó có 18 hội chuyên ngành cấp tỉnh, 07 hội huyện, thị xã, 13 tổ chức thành viên và 03 đơn vị trực thuộc. Tổng số hội viên trí thức khoa học công nghệ có trên 11.000 người, là nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là đội ngũ tiên phong trong các hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh. Đội ngũ trí thức Quảng Trị đã có bước phát triển, trưởng thành cả về trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức; phát huy năng lực, sở trường; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; tổ chức phong trào sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống.
Các hoạt động của hội trí thức thuộc Liên hiệp hội đa dạng và phong phú với nhiều giải pháp thiết thức lại được thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, tổ chức phát động phong trào thi đua trong hoạt động khoa học, sáng kiến cải tiến trong sản xuất và đời sống xã hội...tham gia hội chợ công nghệ, hội thảo, hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ; phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ....Đặc biệt, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, dự án, đề án kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh mà còn là dịp để Liên hiệp hội và các tổ chức hội tập hợp lực lượng khoa học và công nghệ vì sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của địa phương. Kết quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là sự đóng góp thiết thực của Liên hiệp hội đối với tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của Liên hiệp hội.
Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030, Quảng Trị thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, cần có các giải pháp sau đây:
Một là: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức và xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường đồng thuận của đội ngũ trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xác định lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để phát huy tốt nhất năng lực, sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín. Đề cao đạo đức, tinh thần cống hiến, trách nhiệm, sự dấn thân của trí thức đối với quê hương, đất nước. Động viên trí thức phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, chính sách trong phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, đất nước. Kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có nhiều trí thức, đảng viên là trí thức, nhất là trí thức là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trách nhiệm nêu gương gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong các cơ quan, tổ chức có nhiều đảng viên là trí thức.
Hai là, công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực trình độ cao phải gắn với yêu cầu phát triển toàn diện của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cung cấp nguồn lao động có chất lượng cao cho thị trường lao động trong vùng, trước hết là các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh. Phát hiện và trọng dụng, đãi ngộ nhân tài trong tỉnh; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược vào sự phát triển của tỉnh. Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ cho trí thức trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tiếp tục triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; trong văn hoá, văn học, nghệ thuật. Tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh, Trung ương. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức, làm tốt công tác dự báo, yêu cầu, kế hoạch phát triển đội ngũ trí thức trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối giữa các ngành, lĩnh vực, vùng, miền; xây dựng kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức kế cận, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật; hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển đội ngũ trí thức; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ trí thức. Đẩy mạnh hơn nữa trong việc áp dụng các quy định ưu tiên trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bầu cử đối với đội ngũ trí thức.
Bốn là, tùy theo tình hình, điều kiện để ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến. Khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các quỹ đầu tư khoa học và công nghệ, thu hút trí thức tham gia hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có năng lực tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm. Mở rộng hợp tác, giao lưu học thuật, liên kết, hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ với các tỉnh, quốc gia, tổ chức đối tác có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Phát triển các trung tâm, mạng lưới nghiên cứu liên kết, kết nối với các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước, khu vực, toàn cầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hợp tác, giao lưu kết nối tri thức, tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật của các tỉnh, các nước tiên tiến.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các chuyên gia đầu ngành, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến; tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ góp phần vào sự phát triển của tỉnh, của đất nước. ... Tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt dộng của các hội trí thức. Có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công. Trí Ánh
[1] Kinh phí đầu tư phát triển các năm từ 2012-2021 lần lượt là: 5.000 triệu đồng; 0 triệu đồng; 5.000 triệu đồng; 5.250 triệu đồng; 12.000 triệu đồng; 13.200 triệu đồng; 10.080 triệu đồng; 9.811 triệu đồng; 12.109 triệu đồng; 7.920 triệu đồng. Kinh phí sự nghiệp khoa học các năm từ 2012-2021 lần lượt là: 13.167 triệu đồng; 14.860 triệu đồng; 14.709 triệu đồng; 13.235 triệu đồng; 13.500 triệu đồng; 17.020 triệu đồng; 17.337 triệu đồng; 17.846 triệu đồng; 20.070 triệu đồng; 21.839 triệu đồng.