Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 4.246 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đăng ký đa ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là thương mại và dịch vụ, chế biến nông lâm thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp. Nhìn chung, doanh nghiệp trong tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động cũng chuyển biến mạnh mẽ, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh Quảng Trị được Chính phủ đồng ý bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cho phép thành lập, xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, là một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế và phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
Xác định đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn lực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định phát triển.
Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020”. UBND tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 với mục tiêu đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa TTHC cho doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 09-NQ/TW đến tận cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, luôn nỗ lực đồng hành cùng với doanh nghiệp, như: hỗ trợ hơn 16.000 triệu đồng từ nguồn vốn trung ương và của địa phương cho 4 doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn; đôn đốc, thúc đẩy các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện chương trình “Kết nối Ngân hàng với doanh nghiệp”; thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (trong đó có 17 chủ thể OCOP là doanh nghiệp). Từ năm 2012-2015, toàn tỉnh đã có 27 lượt doanh nghiệp/hộ sản xuất kinh doanh đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp, kiểm tra việc chấp hành các quy định về lao động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh (định kỳ 02 lần/năm). Qua đó, lắng nghe ý kiến phản ánh, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp; quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Các cấp ủy địa phương tích cực chăm lo xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 87 tổ chức đảng với 2500 đảng viên, 271 tổ chức công đoàn cơ sở với 11.366 đoàn viên; 69 chi đoàn với 1.679 đoàn viên; 02 chi hội Cựu chiến binh với 13 hội viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực vận động các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia các hoạt động thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện phong trào doanh nhân “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, tạo sự lan tỏa, góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nên các doanh nghiệp từng bước phát triển, góp phần đưa chỉ số phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá và có sự chuyển mình mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu đáng quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, cao hơn bình quân chung của cả nước và tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Trình độ quản lý, điều hành, ý thức về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân đối với cộng đồng xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng được nâng cao và thể hiện rõ nét. Các tổ chức đảng, đoàn thể ngày khẳng định được vai trò, trách nhiệm, là người bạn đồng hành của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa góp phần đảm bảo đời sống, việc làm của NLĐ, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, quan điểm của tỉnh trong thời gian tới là chủ động hội nhập, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực; khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế; khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, nhất là phấn đấu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh. Để đạt được điều đó, đòi hỏi các cấp, ngành trong toàn tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và doanh nhân về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh doanh nhân; đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nghiệp cần đổi mới, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt, đón đầu xu thế phát triển của thị trường, tăng khả năng chống chịu, thích ứng để định hướng phát triển bền vững nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mỗi doanh nhân càng phải đề cao tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, cộng đồng, cố kết vững chắc với cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ kép: khống chế dịch bệnh, đồng thời duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho NLĐ, không ngừng vươn lên, làm giàu cho mình và làm giàu cho quê hương./. Minh Hà