Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V, VI Ngọ Duy Hiểu

Phóng viên (PV): Chúc mừng đồng chí được tín nhiệm tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam! Cảm xúc của đồng chí lúc này như thế nào? 

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Tôi rất vui khi là Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V được đại biểu dự Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục giới thiệu và tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam.

PV: Để thực hiện 3 khâu đột phá mà Đại hội đề ra, theo đồng chí, Công đoàn Viên chức Việt Nam cần có các giải pháp nào trong nhiệm kỳ mới?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: 3 khâu đột phá mà Đại hội đề ra là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Công đoàn Viên chức có vị trí quan trọng bởi đoàn viên đều là cán bộ thực hiện nhiệm vụ tham mưu cấp chiến lược phục vụ hoạt động của Đảng và Chính phủ. Với trách nhiệm của mình, bước sang nhiệm kỳ mới, trên cơ sở nội dung Nghị quyết, trước hết, chúng tôi sẽ  học tập, triển khai quán triệt để cán bộ công đoàn, nhất là các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành công đoàn các cấp nắm vững tinh thần Nghị quyết.

Cùng với đó, chúng tôi xây dựng 5 chương trình hành động, đề án cụ thể để thực hiện 3 khâu đột phá, cũng như là mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Đại hội đã đề ra. Trong đó chúng tôi tập trung vào các giải pháp chủ yếu:

Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội 

Trước hết là quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn. Đây là lực lượng có tính quyết định với việc đổi mới của hoạt động công đoàn, đặc biệt là nhận thức vị trí của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong hệ thống công đoàn. Bên cạnh đó là yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn, công đoàn trong tình hình bối cảnh mới với nhiều thách thức, rủi ro song hành với sự phát triển; cũng như yêu cầu tuân thủ kỷ cương pháp luật, các quy định của Đảng trong việc thực hiện công vụ.

Giải pháp thứ hai, chúng tôi sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền để từ đó nâng cao nhận thức chung trong toàn hệ thống.

Giải pháp thứ ba, chúng tôi tập trung cho nhiệm vụ đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đây là yếu tố cụ thể tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn và thu hút người lao động, đoàn viên tới tổ chức của mình. Không chỉ chăm lo đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần, sự sẻ chia, động viên, hỗ trợ để đoàn viên có niềm tin cũng như gắn bó với tổ chức công đoàn.

PV: Bản thân đồng chí sẽ ưu tiên cho nhiệm vụ nào?

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong nhiệm kỳ này là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đoàn viên trong khối trong việc tham gia xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì đội ngũ cán bộ công đoàn trong khối hầu hết làm việc ở cơ quan có chức năng tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật. Do đó, trước hết, chúng tôi tăng cường cung cấp thông tin để họ có thông tin đầu vào, từ đó xác định yêu cầu, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cũng như đề xuất.

 Đội ngũ cán bộ công đoàn trong khối hầu hết làm việc ở cơ quan có chức năng tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật

Thông qua hoạt động công đoàn sẽ tạo môi trường, tác phong, ý thức trách nhiệm, đặc biệt là sự gắn bó với nhân dân, cơ sở. Nhiều hoạt động công đoàn đã làm cho nhận thức của người lao động, đoàn viên có thực tiễn sâu sắc hơn. Đó có thể là chuyến đi thiện nguyện, chương trình dã ngoại, về nguồn… cũng gợi cho đoàn viên trách nhiệm của mình. Từ thực tiễn cuộc sống của người lao động, trong tham mưu ở các cơ quan đơn vị sẽ có tính thực tiễn hơn và có sức sống và sự khả thi hơn.

Bên cạnh đó, Công đoàn Viên chức Việt Nam sẽ phối hợp tốt với các ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để cung cấp thông tin từ người lao động, từ đó tham mưu các chính sách phù hợp với cuộc sống. Khi chính sách được ban hành sẽ đến được đoàn viên, người lao động.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đề ra 3 khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung là chủ tịch công đoàn cơ sở có bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan, đơn vị, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.

Công đoàn Viên chức Việt Nam đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 61 công đoàn trực thuộc (trong đó có 25 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 36 công đoàn cơ sở) với 84.517 đoàn viên (nữ: 37.828, chiếm 44%, giảm 0.8% so với nhiệm kỳ trước) sinh hoạt tại Công đoàn Văn phòng và các ban đảng Trung ương; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và tư pháp Trung ương; cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, các tổ chức hội quần chúng; các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Trung ương; phối hợp với liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố chỉ đạo hoạt động 61 công đoàn viên chức tỉnh, thành phố với trên 240.000 đoàn viên tại hơn 3.000 công đoàn cơ sở. 

 
Minh Châu