Ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn chủ động tham gia, phối hợp với thủ trưởng đơn vị, chủ doanh nghiệp thực hiện QCDC ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác giám sát nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; giao chỉ tiêu cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở; chỉ đạo tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng gắn với xây dựng các mô hình công đoàn cơ sở (CĐCS) về: Hoạt động ban thanh tra nhân dân, tổ chức đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị NLĐ, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)...
Tại cấp tỉnh, LĐLĐ tỉnh tổ chức giám sát theo Quyết định 217- QĐ/TW về thực hiện QCDC cơ sở theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP tại 5 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và một số CĐCS đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ về kinh phí như Trường Trung cấp nghề Giao thông và vận tải, Trung tâm điều tra quy hoạch và thiết kế nông lâm Quảng Trị...; giám sát công tác cấp phép và theo dõi, quản lý doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị. LĐLĐ cấp huyện đã tiến hành giám sát việc thực hiện QCDC tại 17 đơn vị trường học. Qua đó, kịp thời hướng dẫn các đơn vị khắc phục những hạn chế, góp phần phát huy quyền làm chủ của CNVCLĐ.
Ở cơ sở, trong khu vực hành chính sự nghiệp, các CĐCS đã chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung tổ chức hội nghị CBCCVC. Đến nay, đã có 748/748 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp (tính theo số CĐCS) tổ chức hội nghị CBCCVC (kể cả các đơn vị trường học tổ chức hội nghị theo năm học) đạt tỷ lệ 100%. Việc tổ chức hội nghị CBCCVC cũng như thực hiện QCDC trong các cơ quan, đơn vị được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn, chất lượng hội nghị CBCCVC ngày càng nâng lên.
Các nội dung của hội nghị CBCCVC được các đơn vị thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Tại hội nghị, phát huy quyền làm chủ của mình, CBCCVC các cơ quan, đơn vị đã thảo luận, tham gia góp ý về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với CBCCLĐ. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy chế, quy định trong công tác quản lý, điều hành tại đơn vị. Dịp này, các CĐCS đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan đánh giá kết quả phong trào thi đua năm 2020 và ký kết giao ước thi đua năm 2021, qua đó, đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần làm việc của CBCCVC, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
"Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 từ tháng 7 đến tháng 9, nhiều đơn vị trường học ở các vùng có dịch như thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong... đã linh hoạt, đổi mới hình thức tổ chức hội nghị viên chức, NLĐ từ trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo thực hiện quy định phòng, chống dịch. Mặc dù tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng các đơn vị vẫn thực hiện đảm bảo quy trình, nội dung, quyền dân chủ của giáo viên, người lao động được phát huy đầy đủ" - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết.
Bên cạnh tổ chức hội nghị CBCCVC, CĐCS cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung hướng dẫn ban thanh tra nhân dân tiến hành giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC, việc thực hiện quy chế, quy định và QCDC của đơn vị. Kịp thời phát hiện, phản ánh và kiến nghị với cấp uỷ Đảng, người đứng đầu đơn vị khắc phục những thiếu sót; xây dựng ý thức dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác lãnh đạo, điều hành và quản lý tại đơn vị, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền hợp pháp của CBCCVC.
Trong khu vực doanh nghiệp, đến nay, đã có 144/161 doanh nghiệp (có từ 10 lao động trở lên, đã thành lập CĐCS) tổ chức hội nghị NLĐ, đạt tỉ lệ 89%. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều CĐCS đã tham gia, đề xuất với NSDLĐ linh động trong hình thức tổ chức sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn lao động sản xuất và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết các hội nghị được tổ chức từ cấp tổ, đội, bộ phận sản xuất nên đã tạo điều kiện cho NLĐ được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng, bổ sung, sửa đổi TƯLĐTT và các quy chế, quy định tại doanh nghiệp. Các nội dung liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ tại hội nghị.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số doanh nghiệp (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...) gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, một số CĐCS đã tổ chức đối thoại giữa NLĐ với chủ doanh nghiệp để thỏa thuận mức lương ngừng việc và các chế độ chính sách đối với NLĐ, một số CĐCS tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết liên quan tới NLĐ và các bên trong quan hệ lao động. Có 15 doanh nghiệp tổ chức ký kết TƯLĐTT; LĐLĐ tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu gỗ tỉnh đem lại nhiều lợi ích cho NLĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn một số hạn chế như là: Một số ban TTND hoạt động chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp do điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh nên hội nghị NLĐ còn lồng ghép với hội nghị tổng kết năm, đại hội cổ đông, do vậy các vấn đề liên quan đến quyền lợi của NLĐ chưa được thảo luận và đánh giá đầy đủ. Một số NSDLĐ còn vi phạm về chế độ, chính sách của NLĐ; một số doanh nghiệp do gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên đã ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức hội nghị NLĐ. Một số CĐCS chưa mạnh dạn yêu cầu NSDLĐ tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật...
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế trong tham gia thực hiện QCDC ở cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trọng tâm là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NSDLĐ và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của các cấp công đoàn trong việc chủ động tham gia, phối hợp với NSDLĐ trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, chú trọng hướng dẫn các cơ sở chưa thực hiện tốt. Đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với phát động các phong trào thi đua yêu nước. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát; tăng cường giám sát, phản biện xã hội về việc thực hiện QCDC ở cơ sở và những vấn đề có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn khu vực ngoài nhà nước. Thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ, kịp thời phát hiện, phản ánh, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của CNVCLĐ./. Ly Na