Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cấp xã là gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng xã hội trở thành trào lưu, thu hút hàng tỷ người trên thế giới tham gia đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động và sinh hoạt của con người. Bên cạnh nhiều tiện ích, các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường. Vì vậy, việc tuyên truyền, định hướng giúp người dân hiểu được những tác hại của mạng xã hội và không vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội là trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt là chính quyền cơ sở.
Có thể khẳng định, từ đầu thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, các mạng xã hội nở rộ và trở thành trào lưu, thu hút hàng tỷ người trên thế giới tham gia. Thống kê trên trang We Are Social và Hootsuite cho biết, trong quý I/2018, số người sử dụng internet trên toàn thế giới đã tăng thêm 276 triệu người. Qua đó nâng tổng số người sử dụng internet trên toàn thế giới tính đến hết quý I/2018 đạt mức 4,087 tỷ người và có khoảng 5,061 tỷ người sử dụng các thiết bị di động. Riêng mạng xã hội Facebook quý I/2018, ước tính Facebook có khoảng 2,234 tỷ người dùng. Việt Nam là một trong nhóm 10 nước có lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên thế giới. Hiện nay, có 270 mạng xã hội được Nhà nước cấp phép hoạt động; trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút.
Mạng xã hội đang trở thành trào lưu của thế kỷ XXI bởi vì nó đáp ứng một nhu cầu quan trọng của cuộc sống con người là tạo lập các mối tương tác, tạo điều kiện để mỗi người có thể chia sẻ, trao đổi, tham khảo ý kiến, thể hiện quan điểm… về một hiện tượng hay vấn đề nào đó của xã hội hoặc của cá nhân họ. Nhờ những công cụ tiện ích mà mạng xã hội cung cấp, nên người dùng mạng xã hội từ trí thức đến nông dân, từ người giàu đến người nghèo, từ trẻ đến già, từ nông thôn đến thành thị… đều có thể dễ dàng đăng tin lên mạng xã hội bằng nhiều cách như: bài viết, hình ảnh hay video clip. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối Internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… trong đó, phổ biến nhất là Facebook. Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung đó là xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.
Thực tế là Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin rất nhanh, nội dung phong phú, đa dạng…nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho mỗi người, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Đặc điểm nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng lại là những thông tin tràn lan, hỗn loạn, vô bổ, nói mà không phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng.
Đặc biệt, điều đáng quan tâm lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo,…Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ. Thậm chí, phần lớn người tham gia mạng xã hội còn chưa hiểu biết về pháp luật trước khi đăng tải thông tin; mặt khác một bộ phận người dùng mạng xã hội có trình độ học vấn thấp thường thiếu kỹ năng thu thập, chọn lựa, xử lý thông tin nên họ rất chủ quan, phiến diện hay bị tâm lý đám đông khi bày tỏ quan điểm hoặc đánh giá về một sự kiện, một hiện tượng xã hội, tự nhiên mà người dùng mạng xã hội đăng lên. Điều này dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như: họ dễ bị kẻ xấu lợi dụng, đăng lại tin sai sự thật, có thể vi phạm pháp luật…
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách của con người và lối sống tốt đẹp của người dân, để người dân không vi phạm pháp luật và tránh bị kẻ xấu lợi dụng khi sử dụng mạng xã hội, thiết nghĩ chính quyền cơ sở cần chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho người dân thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội.
Cần cung cấp, phổ biến hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước nhằm định hướng người sử dụng trước những thông tin nhạy cảm; xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội. Trong đó, cần chú trong tuyên truyền về Luật An ninh mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT, ngày 19/8/2014, của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội…
Cần đi sâu đi sát địa bàn để tiếp cận, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và đưa thông tin chính thống đến người dân nhanh chóng nhất nhằm nâng cao nhận thức cho chính người sử dụng mạng xã hội.
Động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ phụ trách công tác văn hóa xã hội ở địa phương tăng cường học tập, tiếp cận, nghiên cứu, học hỏi, nắm bắt, làm chủ công nghệ để có thể kiểm tra, giám sát được thông tin mà người dùng mạng xã hội tại địa phương đăng tải một cách nhanh nhất. Công tác tuyên truyền, định hướng để người dân không bị lợi dụng hoặc vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội hiện nay là một việc rất khó, bởi vậy nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, khoa học của các ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò của chính quyền cơ sở là rất quan trọng.
Tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp với nhu cầu của người dân, nhất là thanh thiếu niên. Các hoạt động như: văn hóa, văn nghệ, thể thao… vừa để nâng cao đời sống tinh thần, vừa là môi trường thuận để họ kết bạn, giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời qua đó còn nhằm để giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền tốt đẹp của dân tộc. Thực tiễn cho thấy nếu gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thì đa phần người dân sẽ dành thời gian rảnh rỗi tham gia vào các trang mạng xã hội. Nhiều trường hợp đã gây nên những hậu quả đáng tiếc, dẫn đến vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội. Do vậy, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh là biện pháp hiệu quả, thiết thực nhất để vừa quản lý được người dân vừa bồi dưỡng, nâng cao hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời hạn chế thấp nhất sự tác động tiêu cực, đa chiều của các trang mạng xã hội.
Phát huy tốt vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh nội bộ, kết hợp đẩy mạnh hoạt động của các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng… thông qua đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó giáo dục, định hướng chính trị, tạo niềm tin và nhiệt huyết, chống lại các loại sản phẩm văn hóa xấu độc, âm mưu “xâm lăng văn hóa”, tư tưởng “áp đặt lối sống, văn hóa phương Tây”, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tình cảm tốt đẹp, của con người Việt Nam hiện nay. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn