Phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường 

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/10, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

 

Ảnh: VGP/Thế Phong
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các vị chức sắc tôn giáo trong cả nước, các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu được cả loài người quan tâm. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.

Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, tính trung bình GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trước tình hình đó, trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và dài hạn, Việt Nam luôn nhất quán mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân - phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân.

Năm 2015, tại hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại TP. Huế, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo khi đó đã trình bày bản Thông điệp về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ TN&MT ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH (giai đoạn 2015-2020) với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp.

Trong 4 năm qua, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ngành tài nguyên và môi trường, trong cả nước đã có hơn 1.014 mô hình của các tôn giáo tham gia Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH được xây dựng; hàng trăm loại tài liệu đã được biên soạn; hàng nghìn lớp tập huấn, bồi dưỡng về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai... đã được triển khai ở các địa phương và trong các tôn giáo, tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức của các lãnh đạo và tổ chức tôn giáo trong vai trò, trách nhiệm cùng toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Thay mặt Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan đồng tổ chức Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức tôn giáo để tham gia hiệu quả mạnh mẽ vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

“Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam sẽ cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và cam kết tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp cùng nhau để đẩy mạnh hơn nữa Chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH những năm tới trong xã hội và tại cộng đồng. Qua đó sẽ góp phần tích cực phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường và BĐKH; đồng thời tăng cường tình đoàn kết, sự gắn bó đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

 

Lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT tặng bằng khen cho các tập thể,  cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH- Ảnh: VGP/Thế Phong

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do BĐKH. Nếu mực nước biển dâng 1 m và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung, 17,8% diện tích TP. Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Tình trạng thiên tai, khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, khốc liệt hơn, khó dự báo hơn. Ngay trong năm 2019, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ đã dẫn đến nhiều tỉnh như An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang, Ninh Thuận… phải công bố tình trạng khẩn cấp.

Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chủ trương nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là trung tâm để Việt Nam phát triển bền vững. Đồng hành với nỗ lực của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong những năm qua, các tôn giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước, nổi bật như các phong trào: Giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”; cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo; hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hằng tuần; giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa… 

Phát huy kết quả trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị đại diện lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo hiện nay tại Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền.

Lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự.

Về phần mình, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp với Ban Thường trực Ủy Ban Trương ương MTTQ Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo tại Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để các tôn giáo tham gia đồng hành hiệu quả hơn nữa với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

Dịp này, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khen tặng 40 tập thể, Bộ TN&MT khen thưởng 10 tập thể và 20 cá nhân, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng bằng khen cho Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Theo kế hoạch, Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (14-15/10).

Thế Phong

579 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 537
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 538
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76797335