Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm. (Ảnh: ĐP).
Đó là một trong những ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững tài nguyên nước – Vai trò của các tổ chức xã hội” do Báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức, ngày 26/7, tại Hà Nội.
Buổi tọa đàm xoay quanh 3 nội dung chính là: Suy giảm tài nguyên nước và nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở Việt Nam; cơ chế pháp lý cho các tổ chức xã hội thực hiện quyền tư vấn và đóng góp xây dựng chính sách, giám sát tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước – tối ưu việc khai thác và sử dụng.
Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và đại diện các tổ chức, đơn vị liên quan.
Nhận định về thực trạng nước hiện nay ở Việt Nam, TS. Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Nước ta có tổng lượng nước là 830 tỷ m3, dân số trên 90 triệu người, với khoảng 9000 m3/người/năm so với thế giới là cao. Tuy nhiên, nước nội sinh chỉ có trên 3000m3/ người, với 2/3 của 830 tỷ m3 nước đi từ các quốc gia thượng nguồn Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Lào, vì vậy chúng ta chỉ còn 37% lượng nước cho đầu người, tương đối thấp. Lượng nước của các dòng sông về mặt khoa học thì thượng nguồn có, chúng ta ở hạ nguồn cũng phải có, nhưng chúng ta là một nước không giàu nguồn nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguồn nước của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt. Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục thủy lợi cho biết: Nước ngọt là tài nguyên hữu hạn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự sống, phát triển môi trường. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế dự báo trong tương lai không xa có thể có những cuộc tranh chấp vì tài nguyên nước. Theo tôi, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân như áp lực dân số ngày càng tăng cao; biến đổi khí hậu khiến thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan. Hơn nữa, nguồn nước ngầm hiện cũng đang trong tình trạng thiếu hụt, ô nhiễm nặng do nhu cầu sản xuất và xả thải quá lớn từ các nhà máy, các khu dân cư mà không được xử lý trước khi xả ra môi trường… Chính những điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm tài nguyên nước và mất an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Cơ chế pháp lý cho các tổ chức xã hội tham gia xây dựng chính sách, giám sát tài nguyên nước
Theo báo cáo của tổ chức WWF Việt Nam, trong hai năm qua, bước đầu đã có các dự án nghiên cứu, tham vấn với các bộ ngành liên quan và đại biểu quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý tài nguyên nước. Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, TS. Đào Trọng Tứ cho biết: Đối với tổ chức xã hội từ khi tham gia đã có những bài học rất lớn, như Mạng lưới sông ngòi Việt Nam từ năm 2011 - 2012 đã làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được đi giám sát cùng với Ủy ban, sau đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong đó không thể không nhắc tới những đóng góp của các tổ chức xã hội, được Chính phủ, Quốc hội lắng nghe. Việc tham gia của các hội, liên hiệp hội đã có đóng góp rất tốt, qua đó tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội.
Thời gian qua, vai trò của các tổ chức xã hội cũng đã được luật hóa. Đơn cử như Luật Tài nguyên nước, khi phát triển các công trình về nguồn nước đều phải tham vấn cộng đồng. Luật hóa được thể hiện khi các đơn vị, bộ ngành liên quan khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ, có nhiều đóng góp tích cực mang tính xây dựng, phản biện xã hội. Cũng có đại biểu cho rằng, nếu lắng nghe được nhiều ý kiến, nhiều thành phần xã hội với các góc nhìn khác đa dạng của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các cấp bộ, ngành... sẽ có được những đánh giá dưới nhiều lăng kính khác nhau tạo nên cái nhìn toàn diện và khách quan. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định đánh giá được những tác động tích cực, tiêu cực của các dự luật, từ đó đưa ra từ đó có những quy định, sửa đổi, bổ sung hiệu quả, phù hợp với khả năng thực thi cao hơn, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức xã hội tham gia, thực hiện quyền tư vấn, đóng góp xây dựng chính sách, giám sát công tác bảo vệ tài nguyên nước một cách thực chất, hiệu quả, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, có ba vấn đề, thứ nhất là địa vị pháp lý và năng lực của tổ chức xã hội đã cùng trợ giúp với người dân đưa các ý kiến lên cơ quan chức năng. Thứ hai, các chính sách khuyến khích để hình thành nên các tổ chức xã hội về mặt tổ chức chính trị thì luật có quy định nhưng hướng dẫn thiếu cụ thể. Thứ ba, chính là nguồn lực để thực hiện. Thực tế hiện nay các tổ chức xã hội đang có nguồn lực tài trợ từ nước ngoài và hoạt động rất tốt, tuy nhiên không thể mãi trông vào nguồn lực đó mà còn cần huy động cả nguồn lực trong nước.
Buổi Tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề như: Những ảnh hưởng của sự ô nhiễm nguồn nước đến sức khỏe con người; khó khăn, thách thức và các giải pháp để huy động các tổ chức xã hội có thể đóng góp nhiều hơn; điểm mấu chốt để các tổ chức xã hội phát huy hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên nước; các tổ chức, cá nhân cần phải làm gì để bảo vệ, giữ gìn nguồn nước bền vững;…/.
ĐP