Phát huy vai trò chức sắc, chức việc các tôn giáo tiêu biểu tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước 

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một bộ phận không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Mỗi tôn giáo ở nước ta tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc; lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước trong khó khăn, thách thức, cũng như trong thời cơ thuận lợi. Đất nước ta có phong trào gì, các tôn giáo hưởng ứng và đóng góp tích cực vào phong trào đó. Đất nước có khó khăn thách thức gì, các tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn, thách thức đó. Đất nước có cơ hội, thời cơ gì, các tôn giáo tham gia thúc đẩy mạnh mẽ để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất mực đề cao nhân cách, sự đóng góp của các vị sáng lập tôn giáo đối với sự tiến bộ của nhân loại và khuyến khích đồng báo các tôn giáo học tập, noi theo. Người rất trân trọng và đánh giá cao vai trò của các chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo, đồng thời, động viên họ thực hiện tốt việc nêu gương sáng sống tốt đời đẹp đạo và tuyên truyền vận động quần chúng tín đồ tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm của Đảng ta về tín ngưỡng, tôn giáo, với đặc thù của địa phương có 03 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với 238 cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo, 67 chức sắc, 1.935 chức việc, nhà tu hành và khoảng hơn 107.700 tín đồ (chiếm gần 18% dân số toàn tỉnh), trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, đồng hành và phát huy mạnh mẽ vai trò của các tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Trị, trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do  các cấp, các ngành và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thông qua đường hướng hoạt động, qua giáo lý và giáo luật, các chức sắc, chức việc đã tuyên truyền, huấn giáo tín đồ mở rộng tình yêu thương, sống vị tha, bác ái, bao dung, khuyên răn tín đồ và quần chúng nhân dân tuân thủ pháp luật, không làm những việc trái với đạo đức xã hội, làm cho giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn đã kết tinh ở các tôn giáo qua hàng ngàn năm lịch sử được lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần loại bỏ một số hủ tục, tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo tôn giáo trở thành điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội; như mô hình “Niệm phật đường an lành, trật tự, văn minh” ở thôn Tân Lợi, Hà Lộc – thị trấn Cửa Việt, “Giáo sứ bình yên, đảm bảo ANTT, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” ở thôn Hội Điền xã Hải Phong, Hải Lăng, “Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Giáo xứ Phan Xá đoàn kết bảo vệ ANTQ, xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Xây dựng giáo xứ, họ đạo không ma tuý, tội phạm và tệ nạn xã hội” tại huyện Hải Lăng.v.v…

Phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở khu dân cư, trong đồng bào có đạo. Nhiều hộ gia đình đồng bào có đạo đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống, cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi; nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng ở các khu dân cư. Tiêu biểu như “phiên chợ không đồng” tại xã Hải Lệ, mô hình trồng rừng và kinh doanh ẩm thực nhà hàng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ năm.

Thực hiện Phong trào “Quảng Trị chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Nối vòng tay nhân ái-tết cho người nghèo” do UBMTTQVN các cấp phát động. Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã vận động được 37.149 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 9 nhà tình thương; xây dựng trường học, nhà bếp, mái che, tường rào, sân chơi, nhà vệ sinh cho các trường ở vùng sâu, xa, khó khăn; dạy nghề miễn phí với 28 khóa học cho 600 học viên trị giá 292 triệu đồng; Tặng đồng phục, khăn len, áo ấm, thảm lót nền, máy sấy và máy vi tính cho học sinh trị giá 1.846 triệu đồng… Tổ chức Công giáo đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, như cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Mái ấm Lâm Bích ở Phường 5, TP.Đông Hà đang nuôi dưỡng 48 cháu mồ côi, hỗ trợ hàng tuần 600 suất bánh mì cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá, nhà Thờ Phước Tuyền, xã Cam Thành nhận nuôi dạy 24 cháu người dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa có hoàn cảnh khó khăn; Các Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh giá Trí Bưu, thị xã Quảng Trị tổ chức các lớp học mầm non cho 205 cháu trên địa bàn; các Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh giá Tân Lương, xã Hải Chánh tổ chức lớp học mầm non cho 25 cháu trên địa bàn…

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về toàn dân đoàn kết phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các chức sắc, chức việc, người uy tín trong các tôn giáo phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, nâng cao ý thức phòng ngừa, bảo vệ an toàn các nơi thờ tự của đồng bào các tôn giáo; kêu gọi, quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men… hỗ trợ cho các vùng tâm dịch, cho đồng bào miền Nam.

Phong trào đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung được các tôn giáo thực hiện có hiệu quả cao. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo luôn đoàn kết xây dựng, bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp; các Chùa, Niệm phật đường, Tịnh xá, Nhà thờ... đã được cải tạo, trùng tu hoặc xây mới đảm bảo khang trang, sạch đẹp để bà con có đạo thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, học tập, tu dưỡng, lễ bái… và các hoạt động mỗi khi có lễ trọng. Tiêu biểu như: Xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các tôn giáo” tại Giáo xứ Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Giáo xứ Tân Lương, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng; Chùa Quy Thiện, xã Hải Quy xây dựng mô hình: “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; Mô hình Giáo sứ bình yên, đảm bảo ANTT, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” ở thôn Hội Điền xã Hải Phong, Hải Lăng…

Các phong trào tốt đời đẹp đạo, lan tỏa trong đời sống xã hội đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống nhân văn của con người Việt Nam. Những mô hình hay, sáng tạo, ý nghĩa của các tổ chức tôn giáo, Sự đóng góp của các chức sắc, chức việc trong tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần cùng tỉnh Quảng Trị thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.  Thủy Phương

 

303 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1275
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1275
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87111319