Đây là một số thông tin nêu ra trong Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BVMT và ứng phó với BĐKH) lần thứ hai do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 14-15/10/2019, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ tốt môi trường

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Anh Tuấn

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng BVMT và ứng phó với BĐKH đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Khẳng định Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về BVMT và ứng phó với BĐKH, tuy nhiên, người dân vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.

Theo các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến BVMT và ứng phó với BĐKH, tính trung bình GDP tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ khoảng 3% GDP.

Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế vừa bảo vệ tốt môi trường; coi BVMT vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, lãnh đạo các tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và cam kết tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình, góp phần tích cực phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; đồng thời, tăng cường đoàn kết, sự gắn bó, đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chức sắc tôn giáo khởi xướng nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh chất thải rắn, rác thải nhựa đại dương, khí thải, nước thải đang ngày càng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái; suy giảm các nguồn tài nguyên nước, đất, biển, đại dương, chất lượng không khí; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững; đồng thời, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, sóng nhiệt tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và hệ sinh thái.

Thời gian qua, các tôn giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, qua đó, nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong BVMT đã được các chức sắc tôn giáo khởi xướng, triển khai hiệu quả.

Khẳng định ứng phó hiệu quả với BĐKH, chủ động, tích cực BVMT là những vấn đề quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển của đất nước, cũng như tương lai phồn thịnh và hạnh phúc của các thế hệ người Việt, Bộ trưởng cho rằng đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng với toàn dân tộc đang hướng tới.

Do đó, các tôn giáo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT, ứng phó với BĐKH trong cộng đồng, tín đồ; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và vùng miền.

“Cần đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự”, Bộ trưởng nêu rõ.

1.014 mô hình phù hợp, hiệu quả

Báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Chương trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp, ngành tài nguyên và môi trường, các tôn giáo đã xây dựng được 1.014 mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương và tôn giáo, góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng.

Có thể kể ra như tỉnh Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" vùng đồng bào theo đạo Bàlamôn giáo; thành phố Cần Thơ với mô hình“Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; tỉnh Quảng Nam với mô hình tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã, phường; tỉnh Lâm Đồng với mô hình "Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp" của Giáo xứ Thánh Mẫu, phường 7, thành phố Bảo Lộc; thủ đô phố Hà Nội với nhiều mô hình như xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Sóc Sơn; tác hại của việc đốt rơm rạ và các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đai tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng…


Tại Hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao Bằng khen cho 39 tập thể, 20 cá nhân và 9 mô hình hiệu quả trong thực hiện Chương trình. (Ảnh: Đình Trung)

Thông qua Chương trình, đã khẳng định đường hướng sống “Tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể là đúng đắn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ hoạt động thông tin, tuyên truyền, biên soạn, cung cấp kiến thức, tài liệu liên quan đến BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với mỗi tôn giáo để các tổ chức, cá nhân tôn giáo triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chia sẻ.

Trong khi đó, bà Margrethe Volden, Giám đốc NCA khu vực châu Á và Trung Đông chỉ rõ, để giải quyết được các vấn đề nêu trên cần sự tham gia của các nhà lãnh đạo, các tổ chức tôn giáo để tạo sự chuyển biến và sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân.

Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trong việc vận động thêm nhiều người dân, nhóm thiện nguyện tham gia tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật của Việt Nam về BVMT và ứng phó với BĐKH. Cùng với đó, chính quyền các cấp cần tổ chức nhiều hơn các hội thảo, chương trình phối hợp và huy động thêm nhiều nguồn lực để giúp đỡ người dân phòng chống thiên tai, khắc phục những hậu quả khôn lường do thiên tai gây ra.

“Người dân Việt Nam không thể tự mãn với những kết quả bước đầu đạt được trong BVMT mà phải coi đây là động lực để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”, bà Margrethe Volden bày tỏ.

“BVMT và ứng phó với BĐKH vì một tương lai xanh”

“BVMT và ứng phó với BĐKH vì một tương lai xanh” đã mang tới khát vọng tương đồng khi 16 tôn giáo đại diện cho hơn 22 triệu đồng bào có đạo ở Việt Nam truyền đi thông điệp của tôn giáo mình.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết BVMT bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn.

Giáo hội Công giáo Việt Nam: Những người Việt Nam yêu nước, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của trái đất này trước khi quá muộn.

Cộng đồng Tin lành Việt Nam: Tất cả hãy chung sức, đồng lòng, hành động thiết thực để BVMT sống. Phật giáo Hoà Hảo thì cho rằng, con người cần phải giữ gìn sự đa dạng sinh học để có cuộc sống bình an, phát triển, bền vững.

Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam: Hãy sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, sử dụng năng lượng tiết kiệm, không gây hại cho môi trường.

Minh Lý đạo: Ứng phó với BĐKH là mệnh lệnh của lương tâm. Hãy cùng hành động từ trái tim chân thành.

Minh Sư đạo: BVMT là việc làm cụ thể trong đời sống nhân loại không phân biệt giai cấp, tôn giáo trong xã hội, mọi người đều phải ý thức và tham gia.

Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn: Chung tay cùng xã hội vào các hoạt động BVMT cũng chính là để bảo vệ chính mình, chức sắc, chức việc và tín đồ Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn đã và đang làm hết sức mình để cùng xã hội, cộng đồng xây dựng một xã hội an lành, một môi trường xanh, sạch đẹp, chúng ta cùng được hưởng sự thanh bình, ấm no và hạnh phúc, xây dựng một cõi cực lạc thực sự tại thế gian…

Có thể thấy, tuy khái niệm, ngôn ngữ khác nhau nhưng các tôn giáo đều gặp nhau ở quan điểm lớn: đó là chúng ta cùng sống chung trên Mẹ Trái đất và đang phải đối mặt với những yếu tố hủy hoại trái đất. Để khắc phục vấn đề này, tất cả mọi người cùng tham gia: từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đến từng tôn giáo, cho đến mỗi người./.

Anh Tuấn