Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: NK)
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thông tin: Năm 2016, tại hội nghị toàn quốc về “phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 với 5 nội dung, 7 mục tiêu, giải pháp. Sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức NCA Việt Nam tổ chức Hội nghị Toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị sẽ đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các tôn giáo và các mô hình trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thống nhất cam kết tăng cường trách nhiệm của tôn giáo về thúc đẩy việc thực hiện Chương trình phối hợp; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương trình phối hợp. Ngoài các phiên toàn thể và phiên chuyên đề trong hội trường, hội nghị còn có hoạt động Hội trại với các gian trưng bày kết quả thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo, hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bên ngoài hội trường.
Theo đó, Hội nghị và hội trại toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2019 được thiết kế trên nền tảng ý tưởng “Quay về với tự nhiên”. Ý tưởng này được tạo hứng khởi từ bài viết “Trở về tự nhiên - Một sự phản ứng của nền văn minh”. “Trở về với tự nhiên” là xu hướng chung của con người trong các nền văn minh. Sống hòa mình vào thiên nhiên là mong muốn ngàn năm của con người, là hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khá xuyên suốt. Trên cơ sở này Chính phủ đã có Chương trình phối hợp nhằm huy động các tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Mặt trận cũng đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động có tác động to lớn trong đời sống nhân dân như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Trong đó, nhiều nội dung, chương trình hành động đều đưa nội dung bảo vệ môi trường là một trong nhưng tiêu chí khi thực hiện các phong trào, các cuộc vận động này. Do đó, việc Mặt trận huy động các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thông tin: Cách đây gần 4 năm, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã huy động các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi chương trình đưa ra, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tôn giáo. Do đó, đây là lần thứ hai Mặt trận tổ chức hội nghị; đồng thời đáng giá kết quả hoạt động và ý nghĩa của chương trình này.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, đây là vấn đề lớn cần sự huy động của cả hệ thống chính trị để tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của người dân; đồng thời nội dung này cần được đưa vào giáo lý, giáo luật và Hiến chương của các tôn giáo để các tín đồ cùng thực hiện. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các mô hình tự quản, huy động sức mạnh của cộng đồng thành những việc làm cụ thể để xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh:NK)
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp góp phần tăng cường sự thống nhất hành động giữa MTTQ các cấp, ngành tài nguyên môi trường với các tôn giáo trong việc huy động nguồn lực của các tôn giáo nói riêng và toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó, chương trình đã góp phần tích cực tăng cường sự hiểu biết và sự gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Nam Khánh