PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG KIÊN CƯỜNG TRONG CHIẾN THẮNG XUÂN MẬU THÂN NĂM 1968, QUẢNG TRỊ MẠNH MẼ VƯƠN LÊN 

Mùa Xuân Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta với ý chí quyết chiến, quyết thắng, đạp bằng mọi khó khăn, thử thách, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đồng loạt đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại các thành phố, thị xã và hầu khắp vùng nông thôn rộng lớn trên toàn miền Nam; đồng thời, đẩy mạnh tiến công tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực, vũ khí và phương tiện chiến tranh, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước những thất bại ngày càng nặng nề về quân sự, chính trị trên khắp chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang dùng chiến lược "chiến tranh cục bộ" - là nấc thang chiến tranh cao nhất của chúng.

Để tiếp thu tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, được sự đồng ý của Khu ủy Khu V, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ VI (28/7/1965) được triệu tập tại Khe Su (chiến khu Ba Lòng). Sau khi học tập quán triệt Nghị quyết lần thứ 11 của Trung ương, liên hệ kiểm điểm đánh giá tình hình hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội đã nêu rõ: "Ở địa phương ta, địch có thể tăng cường đánh phá ác liệt, lập ấp chiến lược ở các vùng quanh thị xã, thị trấn, quanh các cứ điểm dọc quốc lộ 1, quốc lộ 9. Địch sẽ dồn dân, bắt lính, tăng quân và có thể đưa thêm quân Mỹ. Địch sẽ tăng cường hoạt động phi pháo ác liệt, dùng chất độc hóa học đánh phá... Đo đó, cuộc chiến tranh giữa ta và địch sẽ ác liệt và phức tạp hơn trước... Tại Đại hội này, đồng chí Trương Chí Công được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Soạn được bầu làm Phó Bí thư.

Tình hình chiến trường Quảng Trị từ sau đại hội Đảng bộ Quảng Trị vô cùng căng thẳng và phức tạp. Địch dựa vào ưu thế về quân số, hỏa lực, sức cơ động và khả năng hậu cần... tiến hành càn quét bắn phá khu căn cứ và vùng giải phóng của ta. Với âm mưu và hành động đó, Mỹ, ngụy đưa cuộc chiến tranh ở chiến trường Quảng Trị lên đỉnh cao. Một số cán bộ, đảng viên và chiến sĩ tỏ ra lo lắng: liệu ta có vượt qua thử thách trước bom đạn Mỹ để thắng Mỹ?

Trước tình hình đó, tháng1/1966, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị bất thường nhận định: “Địch hấp tấp đưa quân Mỹ và chư hầu đến Quảng Trị là ở trong thế bị động đối phó với bộ đội chủ lực của ta ở Mặt trận đường 9. Do đó, tuy lực lượng địch đông, nhưng nông thôn đồng bằng vẫn sơ hở, tương quan lực lượng giữa ta và địch vẫn không thay đổi”. Hội nghị chủ trương đưa phong trào đồng bằng lên theo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, phối hợp chặt chẽ “3 thứ quân” trên “3 vùng chiến lược”.

Thực hiện Nghị quyết, bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện, thị trong tỉnh đẩy mạnh tác chiến chống càn, diệt ác, trừ gian, phát động quần chúng nhân dân hành động cách mạng. 2h30 ngày 21/2/1966, đội 10 đặc công tỉnh bất ngờ nổ súng tiến công, diệt gọn chi khu quân sự Triệu Phong, diệt 60 tên. Ngày 22/2/1966 tiểu đoàn 8 (bộ đội địa phương) phối hợp du kích Triệu Phong tấn công cụm dân vệ Triệu Phước, diệt 20 tên. Ngày 2/3/1966, tại thôn Giang Phao, bộ đội địa phương huyện Gio Linh chặn đánh, tiêu diệt một đạt đội cảnh sát đi càn thu 52 súng.

Những thắng lợi lớn về quân sự cùng phong trào đấu tranh chính trị, binh vận điễn ra liên tục và mạnh mẽ trên toàn miền Nam buộc đế quốc Mỹ phải kết thúc cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965 - 1966) sớm hơn dự định.

Tháng 4/1966, Bộ Chính trị ra quyết định tách Quảng Trị và Thừa Thiên ra khỏi khu V, thành lập Khu ủy Trị Thiên Huế. Tháng 6/1966, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Mặt trận đường 9 Bắc Quảng Trị.

Để phối hợp chặt chẽ với đòn tấn công của bộ đội chủ lực, tháng 6/1966, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị họp ra quyết định: Phải liên tục tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng, nâng cao thế làm chủ của quần chúng nhân dân, sẵn sàng đánh bại cuộc phản công chiến lược sắp tới của địch.

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy Trị Thiên - Huế, Tỉnh ủy Quảng Trị lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tập trung mũi nhọn vào đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, cô lập bọn ác ôn, trung lập số lưng chừng, khơi dậy tinh thần dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược. Kết quả, mùa khô năm 1966 - 1967 ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 18.000 tên địch (có khoảng 4000 tên Mỹ), bắn rơi và bắn cháy 105 máy bay các loại, bắn cháy và bắn hỏng 148 xe quân sự, thu 575 súng. Lực lượng cách mạng ở cơ sở vẫn bám trụ địa bàn, tổ chức đấu tranh; các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể phát triển mạnh mẽ, đội ngũ cán bộ chính trị tỉnh không ngừng được bổ sung.

Tháng 6/1967, Trung ương Đảng chủ trương giải thể hai ban Tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên. Quảng Trị được chia thành ba mặt trận:

- Mặt trận bắc Quảng Trị gồm Gio Linh và Cam Lộ.

- Mặt trận nam Quảng Trị gồm Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị).

- Đảng ủy miền tây (miền núi Trị Thiên).

Thực hiện chủ trương của Khu ủy và quân khu Trị Thiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Ban Cán sự, Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện thị tập trung xây dựng thực lực cách mạng, phát triển cơ sở ở các vùng xung yếu, đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, chống địch càn quét, phá tan chương trình “bình định” của địch ở vùng nông thôn, đồng bằng Triệu Hải, Gio Cam.

Tháng 9/1967, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng chính thức lập hàng rào điện tử Mácnamara. Sự xuất hiện hàng rào điện tử cùng với những biện pháp bóp nghẹt phong trào cách mạng ở Quảng Trị đã gây cho ta nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Ban cán sự Gio Cam kịp thời nhận định, đánh giá tình hình, đề ra phương hướng và biện pháp quyết tâm phá nát hàng rào điện tử.
Thực hiện chủ trương "tiến công và nổi dậy toàn miền” của Trung ương Đảng và quyết tâm của Thường vụ Khu ủy Trị Thiên - Huế (3/12/1967), các mặt trận ở đia bàn Quảng Trị phát động phong trào vũ trang toàn dân, với tinh thần “địa phương phải tích cực phục vụ bộ đội chủ lực để đánh sập từng mảng tuyến phòng ngự của địch trên đường 9, mở rộng hành lang cho quân chủ lực tiến vào phía Nam”. Song song với công tác chuẩn bị, để gây bất ngờ và phân tán lực lượng của địch, đêm 20/1/1968, lực lượng vũ trang ta bất ngờ tấn công Khe Sanh, giữa lúc địch đang dồn sức chống đỡ với ta ở mặt trận đường 9 - Khe Sanh thì đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, lực lượng cách mạng ở các mặt trận trên địa bàn Quảng Trị đã vượt qua lưới lửa dày đặc, nổ súng hợp đồng với mặt trận Huế đúng giờ quy định. Quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ cho mặt trận Huế.

Trên Mặt trận đường 9 - Khe Sanh, lực lượng vũ trang ta đã tăng cường vây ép, cô lập, cắt đứt các đường chi viện của địch. Sau 170 ngày đêm tiến công và vây hãm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi lớn ở Khe Sanh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 cùng với thắng lợi đường 9 Khe Sanh làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chịu ngôi vào đàm phán với ta ở Paris.

Với âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng quân viễn chinh làm chỗ dựa để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống vẻ vang của chiến thắng đường 9 - Khe Sanh anh hùng, từ năm 1968 đến 1972 Quảng Trị  tích cực đấu tranh chống chiến lược “Việt Nam hóa Chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến công, nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 01/05/1972.

 Quân và dân Quảng Trị phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương

Gần 50 năm sau ngày Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã gặt hái những kết quả quan trọng rất đáng tự hào. Với quyết tâm không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, từ bài học về sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết nội bộ, sự đồng thuận xã hội đã giúp Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị quy tụ được tất nhân lực, tài trí để chọn lựa cho mình một hướng đi phù hợp, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25 % so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế gấp 1,41 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020, gấp 1,6 lần năm 2015, bằng 79,1% của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 74,47% năm 2015 lên 78,49% năm 2020, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 25,53% năm 2015 xuống còn 21,51% năm 2020.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cộng đồng các doanh nghiệp từng bước vượt khó; đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo lộ trình; kinh tế tập thể có sự chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. Hoạt động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo nghề được chú trọng, trong 5 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề  cho 60.947 người. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5% năm 2020, 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, công tác dân số được quan tâm thực hiện tốt. Văn hoá, thể dục, thể thao có những mặt chuyển biến tích cực.

Hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, sáng tác văn học, nghệ thuật có bước phát triển cả về hình thức và nội dung, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Hoạt động khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất đạt kết quả cao.

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm sóc người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo việc làm mới cho 61.712 người; công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,43% năm 2015 xuống còn 6,43% năm 2020.

Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, phát huy hiệu quả, thực hiện đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về quân sự, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Bộ máy chính quyền được xây dựng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục được đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. HĐND các cấp đã từng bước phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp có nhiều đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng lên.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy. Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, hướng về cơ sở.

Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, có nhiều cách làm mới, sáng tạo. Việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức được tăng cường, việc giáo dục chính trị tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án“Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên” với nhiều giải pháp mới được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao. Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được thực hiện đồng bộ.

 Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp.  Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, đã sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó, giảm 18 tổ chức cơ sở đảng và 268 chi bộ trực thuộc; giải thể chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, đưa đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ khu dân cư. Công tác cán bộ được chú trọng, tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã quán triệt đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đúng Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.

Công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực, công tác dân vận có nhiều đổi mới, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được tăng cường, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới.

Những thành quả đáng trân trọng đó sau gần 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, chính là sự nối tiếp truyền thống quang vinh của các thế hệ cha anh đi trước, là kết tinh của cả quá trình nỗ lực phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà cùng chung một ý chí mạnh mẽ một nghị lực lớn lao, với một quyết tâm đổi mới, tiến tới tương lai tươi đẹp bằng chính sự nỗ lực cống hiến quên mình. Châu Minh

517 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 799
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 799
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76779401