Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, ngành Tuyên giáo đóng góp quan trọng vào sự nghiệp tỉnh nhà 

Ngày 1-8-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền nhằm giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của Đảng. Ngày 1-8, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng cho phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ” nhằm lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức bóc lột bất công, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết...

Bản tài liệu nhanh chóng đi vào quần chúng, tạo nên một làn sóng dư luận rộng lớn, khích lệ hàng triệu người đứng vào hàng ngũ chống đế quốc và tay sai. Ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Năm 2000, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo.

87 năm qua, dù tên gọi, cơ cấu tổ chức và đội ngũ có những thay đổi, nhưng công tác Tuyên giáo luôn được Đảng coi trọng và đặt ở vị trí xứng đáng – Một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trên mặt trận chính trị tư tưởng; lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân...  Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo ngày càng hùng hậu, trưởng thành, được tôi luyện qua thực tiễn cách mạng, luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của ngành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Song hành cùng với sự phát triển của cả nước, 87 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh Đảng bộ, ngành Tuyên giáo đã vượt lên những chặng đường đầy gian khổ, hy sinh, nhưng rất đáng tự hào; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng tỉnh.

Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, tiếp thu luồng tư tưởng cách mạng vô sản, Chi bộ thanh niên Quảng Trị đã tổ chức tuyên truyền, cổ động sách báo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ thanh niên đến với thanh niên, trí thức yêu nước của tỉnh. Nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị và cùng nhiều cán bộ tiền bối khác đã thực hiện in sách báo, truyền đơn, diễn thuyết…truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng cách mạng vô sản sâu rộng trong quần chúng nhân dân, chuẩn bị mọi điều kiện cho sự ra đời của Đảng bộ Quảng Trị.

Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng bộ mới thành lập, lực lượng mỏng, sự hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng còn sơ khai, kẻ thù thường xuyên đàn áp, khủng bố nhưng mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ vẫn là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, mưu trí, sáng tạo, tích cực bám dân, bám cơ sở, bám phong trào để tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng theo Đảng. Mặc dù tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở bị vỡ nhiều lần, nhưng chủ niềm tin của quần chúng nhân dân vào nghĩa Mác - Lênin, vào sự lãnh đạo của Đảng vẫn luôn được giữ vững. Đó là cơ sở quan trọng để hàng ngàn, hàng vạn quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù trong các cao trào cách mạng. Mùa thu năm 1945, cùng với khí thế của cả dân tộc, Đảng bộ, nhân dân Quảng Trị nhất tề đứng lên, tạo thành những dòng thác cách mạng nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước.

Sau ngày Tổng khởi nghĩa, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị vẫn kề vai sát cánh cùng với cả dân tộc, đưa đất nước thoát ra khỏi tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Quảng Trị đã cùng với cả nước đồng tâm, hiệp lực, từng bước đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc chiến đấu đó, cán bộ làm công tác tuyên truyền của Đảng không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ, bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, kịp thời tuyên truyền đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; kiên quyết vạch trần các âm mưu, hành động leo thang chiến tranh của kẻ thù; hiệu triệu toàn quân, toàn dân đoàn kết, nhất trí, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đẩy mạnh kháng chiến đến ngày thắng lợi.

Năm 1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi đất nước. Trong điều kiện lịch sử mới, Ban Tuyên huấn khu vực Vĩnh Linh tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng Vĩnh Linh thành hậu phương vững chắc để chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Dưới mưa bom bão đạn của quân thù, hệ thống loa truyền thanh với công suất lớn vẫn hoạt động; lá cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh tung bay ở đầu cầu giới tuyến, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào bờ Nam hướng về Đảng, Bác Hồ, vững tin vào thắng lợi cuối cùng. Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh có thêm sức mạnh để chắc tay cày, tay súng, quán triệt sâu sắc tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Trị thân yêu”,“Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”, đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến. Các huyện ở Nam sông Bến Hải, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, điên cuồng chống phá phong trào cách mạng hòng dập tắt ý chí độc lập tự do và khát vọng thống nhất non sông của nhân dân ta. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, đội ngũ làm công tác tuyên huấn ở Quảng Trị đã tỏ rõ bản chất cách mạng, quyết tâm bám phong trào, bám cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân vững vàng tư tưởng, thủy chung son sắt, sáng tạo các phương pháp đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, đưa phong trào cách mạng đi lên.

Với ý chí và quyết tâm không gì lay chuyển được, công tác tư tưởng đã vận động nhân dân bám đất, bám làng “một tấc không đi, một ly không rời”, che chở, nuôi dấu cán bộ cách mạng, kết hợp xây dựng lực lượng tại chỗ vững mạnh, ổn định tình hình tư tưởng, nêu cao quyết tâm “nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên những chiến thắng vang dội, đỉnh cao là chiến dịch Xuân – hè 1972, giải phóng Quảng Trị (01/5/1972), tạo cơ sở vững chắc cùng với cả nước tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Quảng Trị bước vào thời kỳ xây dựng, tái thiết quê hương. Trách nhiệm của những người làm công tác tuyên giáo cũng hết sức nặng nề. Vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, vừa kiên quyết vạch trần âm mưu thủ đoạn chống phá của những phần tử ngụy quân ngụy quyền, vừa tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong quần chúng nhân dân, xây dựng nền móng vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống của ngành, cán bộ công tác tuyên giáo luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy, kịp thời tuyên truyền, giáo dục toàn quân, toàn dân phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh khai hoang, phục hoá, tích cực tái thiết sản xuất, xây dựng quê hương.

Từ ngày tỉnh nhà được lập lại (01-7-1989) đến nay, phát huy truyền thống vẻ vang, tư tưởng cách mạng tiến công, các “binh chủng” của ngành từ giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền, văn hoá - văn nghệ, công tác khoa giáo, biên soạn lịch sử Đảng, Trung tâm thông tin công tác tư tưởng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng quê hương, đất nước; nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội để định hướng kịp thời. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03 về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng; đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, liên tục trong toàn xã hội. Kịp thời có mặt ở những điểm nóng để cùng với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền các thành tựu về phát triển kinh tê – xã hội và an ninh quốc phòng, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo diễn ra gay gắt; sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố đe doạ nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh chính trị các quốc gia, khu vực; biển Đông “dậy sóng” trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều nơi; quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ tạo thời cơ và thách thức đối với các quốc gia, dân tộc trên thế... ngành Tuyên giáo vì thế đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức. Trong các khó khăn phải kể đến như: sự chống phá không ngừng của các thế lực thù địch bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt; một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị xa rời lý tưởng, trông chờ, ỷ lại, mất tính chiến đấu gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân, tạo cớ để kẻ thù khoét sâu, bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ... Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm  “đoàn kết, nhất trí, đổi mới, sáng tạo”, niềm tin, khí thế, động lực quan trọng từ thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, ngành Tuyên giáo sẽ vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng trên mặt trận chính trị tư tưởng. Ngọc Tuấn- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

1142 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 894
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 894
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006973