Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp 

Năm 1972, mặc dù đế quốc Mỹ đã nhận ra rằng chúng không thể thắng Việt Nam bằng chiến tranh quân sự nhưng mưu đồ áp đặt chế độ thực dân mới của chúng ở miền Nam, Việt Nam không hề thay đổi. Chính vì vậy, chính quyền Ních xơn đã có một số động thái ngoại giao giữa các nước lớn hòng cô lập cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam, gây sức ép từ các phía với quyết tâm thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam; tạo điều kiện mặc cả với ta trên thế mạnh tại Hội nghị Paris, đồng thời để xoa dịu phong trào đấu tranh trong nước Mỹ, tạo điều kiện cho Ních-xơn tái cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào cuối năm 1972.

Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 19 (tháng 02/1971) và lần thứ 20 (tháng 4/1972) đều xác định “Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc này…”.  Quán triệt tinh thần đó, ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên. Với các nhiệm vụ chủ yếu: Tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự của đối phương ở Trị - Thiên (chủ yếu Quảng Trị), trong đó tiêu diệt cho được hai sư đoàn và đánh thiệt hại nặng một sư đoàn khác;  phối hợp chặt chẽ giữa tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn, đồng bằng, đẩy mạnh phong trào đô thị và công tác binh vận; tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, đánh bại kế hoạch bình định của đối phương; giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, trước hết là giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Sau hai đợt tiến công và nổi dậy mãnh liệt (từ ngày 30/3 đến ngày 01/5/1972), quân và dân Quảng Trị đã tiêu diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt 3160 tên, thu và phá hủy 636 xe tăng, thiết giáp, 1870 ô tô các loại, 419 khẩu pháo, bắn rơi, phá hỏng 340 máy bay và rất nhiều quân trang quân dụng các loại; quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy; giải phóng huyện Cam Lộ, Gio Linh vào ngày 02/4, giải phóng Đông Hà ngày 28/4 và huyện Triệu Phong giải phóng ngày 29/4 và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam vào ngày 01/5/1972.

Cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, mở đường cho đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây còn là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, không sợ gian khổ, hy sinh và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, 50 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã không ngừng phấn đấu, vươn lên khó khăn và đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội- quốc phòng an ninh, làm chuyển mình, khởi sắc một vùng đất từng một thời chiến tranh hoang tàn và hủy diệt: Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá[1]; Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đã thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Sản xuất công nghiệp đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động thương mại - dịch vụ quy mô ngày càng tăng với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; phát triển hài hòa giữa thành thị - nông thôn, đồng bằng - miền núi. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử.

Bước vào thời kỳ mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.

Để quyết tâm chính trị đó thành hiện thực “Các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục đoàn kết, phát huy tinh thần tiên phong cách mạng, bền bỉ vượt khó vươn lên, cùng với khát vọng phát triển, niềm tin, niềm tự hào và đồng thuận cao, hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, phát huy truyền thống quê hương Quảng Trị anh hùng để nỗ lực hoàn thành cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022, tạo nền tảng để sớm hiện thực hóa khát vọng đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh khá, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”[2]. Lệ Thu

 

     [1] Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2015- 2020 đạt trên 7,16%; Bất chấp khó khăn, thử thách do dịch bệnh covid-19 gây ra, năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh vẫn đạt 6,5%; đứng thứ 3 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước hơn 5.511 tỷ đồng, (năm 2020 đạt 3.450 tỷ đồng).

 

[2] Trích trả lời phỏng vấn của đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh với Báo Quảng Trị

878 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 648
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 648
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87010366