Phát huy tốt vai trò người đại diện, nâng hiệu quả quản lý vốn nhà nước 

(Chinhphu.vn) - Ngày 14/9 tại Đà Nẵng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Hội nghị công tác đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tại Hội nghị thường niên này, lãnh đạo SCIC và trên 200 người đại diện vốn của SCIC sẽ trao đổi, thảo luận các giải pháp để nâng cao hơn nữa việc quản lý vốn nhà nước tại các các doanh nghiệp.

 

Lãnh đạo SCIC trao bằng khen cho người đại diện phần vốn của TCT tại các đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, tính đến 31/8, tổng danh mục đầu tư của Tổng công ty gồm 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 82.838 tỷ đồng, bao gồm: 133 Công ty cổ phần; 1 Công ty TNHH 2 thành viên; 5 Công ty TNHH 1 thành viên. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 225 người đại diện, trong đó có 168 người là cán bộ doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 74,6%).

Ông Nguyễn Chí Thành cho biết kết quả đánh giá năm 2017, trong tổng số 309 người đại diện thuộc đối tượng đánh giá của năm 2017 có 149 người đại diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỉ lệ 48,2%; 102 người đại diện hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỉ lệ 33%. 

Trong năm 2017, với sự góp sức của người đại diện, đa số các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp đã vượt kế hoạch kinh doanh trên 10% như: Công ty cổ phần Bảo trì đường thủy nội địa số 15 (doanh thu đạt 171% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (doanh thu đạt 158%, lợi nhuận trước thuế đạt 194% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (cổ tức đạt 400% so với kế hoạch)... Một số doanh nghiệp đạt tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% như: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (24%), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (23%), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (43%), Công ty cổ phần Traphaco (23%), Công ty cổ phần Domesco (22%)....

Đối chiếu với các tiêu chuẩn theo quy định, Tổng công ty đã đề nghị tặng giấy khen của Tổng giám đốc cho 13 người đại diện; tặng giấy khen của HĐTV cho 15 người đại diện, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Bằng khen đối với 1 tập thể tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo SCIC cho rằng vẫn còn một số hạn chế như một số người đại diện chưa sâu sát, hiệu quả, chất lượng báo cáo chưa cao, công tác phối hợp bán vốn tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả chưa cao, tháo gỡ khó khăn tại các doanh nghiệp làm ăn yếu kém chưa hiệu quả…

Về công tác thoái vốn nhà nước - một trong những nhiệm vụ quan trọng của SCIC trong giai đoạn hiện nay, Ông Nguyễn Chí Thành cho biết, tuy bối cảnh thị trường không thuận lợi nhưng người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC đã phối hợp tốt với Tổng công ty xử lý các tồn tại, hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để bán vốn thành công. Năm 2017, Tổng công ty đã thực hiện bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 36 doanh nghiệp) với giá vốn 424 tỷ đồng, giá trị thu được là 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Đặc biệt, Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn thành công 3,33% số cổ phần tại Vinamilk với mức giá bình quân 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng, chênh lệch trên 8.700 tỷ đồng; tháng 3/2018 bán vốn thành công tại CTCP Nhựa Bình Minh thu về 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ đồng, chênh lệch 2.185 tỷ đồng. Kết quả đó phản ánh nỗ lực của SCIC và người đại diện trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao đồng thời với việc triển khai kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty.

Bên cạnh những điểm tích cực, theo lãnh đạo SCIC, hoạt động của người đại diện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như có tình trạng người đại diện chưa hợp tác tốt với SCIC, không triển khai kịp thời các ý kiến của SCIC, không xin ý kiến hoặc có tính biểu quyết khác với ý kiến của SCIC; một số doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm, nhiều tồn tại tài chính, dẫn tới doanh nghiệp có khả năng không hoạt động liên tục (tính đến 31/8 còn 21 doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội cổ đông)…

Trong 6 tháng đầu năm, số nợ cổ tức đã thu được là 2.682 tỷ đồng, trong đó có 1.505 tỷ đồng cổ tức phát sinh trước ngày 31/12/2017 – chiếm 98% công nợ cổ tức trước ngày 31/12/2017. Số công nợ còn lại chủ yếu là công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng từ các năm 2010 trở về trước của các doanh nghiệp đã thoái. Tính đến 31/8, số nợ cổ tức SCIC phải thu của các doanh nghiệp còn 42,7 tỷ đồng tại 71 doanh nghiệp. Theo ông Thành, tuy số nợ giảm so với các năm trước nhưng có nhiều khoản nợ tồn đọng lâu ngày. Một số doanh nghiệp còn chây ỳ, không thanh toán/không xác nhận công nợ… làm chậm tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp nhưng người đại diện chưa kịp thời đôn đốc, thu hồi nợ, đối chiếu công nợ.

Lãnh đạo SCIC nhấn mạnh, năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của SCIC về công tác người đại diện, SCIC chủ động để xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.Cụ thể là  phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp-Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, bổ sung Luật 69- trong đó đặc biệt lưu ý quy định về nghĩa vụ xin ý kiến của Người đại diện; quy định cụ thể về chế tài với người đại diện vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo của SCIC…

Việc kiện toàn nhân sự, tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong công tác người đại diện cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng: tăng cường cử cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm/biệt phái đến làm việc tại doanh nghiệp.

Thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hoá các công ty TNHH MTV, đổi mới, sắp xếp lại các DN theo kế hoạch đã duyệt, nâng  cao năng lực điều hành cho người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp.

“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ và đề cử những người đại diện xứng đáng giữ các chức vụ trong bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. SCIC cũng sẽ giám sát chặt chẽ tính tuân thủ của người đại diện đối với các chỉ đạo của SCIC”, ông Nguyễn Chí Thành khẳng định.

Với mục tiêu cung cấp thêm kiến thức và kinh nghiệm về hình thức M&A thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong khuôn khổ hội nghị lần này, SCIC tổ chức Hội thảo “M&A, một số vấn đề doanh nghiệp cần chuẩn bị để thu hút nhà đầu tư chiến lược” với sự tham gia của các diễn giả đến từ Vietnam Holding, Lee&Ko,Warburg Pincus. Nội dung của Hội thảo tập trung vào các việc cập nhật các vấn đề pháp lý mà nhà đầu tư và doanh nghiệp cần lưu tâm, xác lập chiến lược M&A và cách thức tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp thông qua M&A, hiện thực hóa tiềm năng đầu tư tại các doanh nghiệp thông qua các giao dịch M&A, đồng thời trao đổi về triển vọng M&A tại thị trường Việt Nam và sức hút của doanh nghiệp Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây cũng là những nỗ lực của SCIC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có năng lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao.

 

Huy Thắng
753 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 666
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 666
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77376914