Phát huy tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thực hiện thành công mục tiêu kép trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận nên thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, triển khai thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH TƯ Đảng, khóa XI; triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TU của BTV Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2016- 2020. Trong những năm qua, công tác “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt tình hình Nhân dân, phát huy dân chủ, chủ động tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Trong sản xuất, kinh doanh nổi bật các mô hình ở địa bàn nông thôn, như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển các làng nghề, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Các mô hình này thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, qua đó cùng giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cũng phát triển mạnh mẽ, điển hình như các phong trào “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”, “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”, “Quỹ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu Chiến binh có các mô hình: tổ hợp tác, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xóa nghèo cho hội viên”; mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mô hình xây dựng “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”.

Bên cạnh đó, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến rõ nét; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từng bước chuyển nhận thức từ mệnh lệnh, hành chính sang chính quyền hỗ trợ, phục vụ Nhân dân; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả. Công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và hiện nay là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra đối với tỉnh; qua đó tiếp tục củng cố lòng tin của Nhân dân và xây dựng được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Tuy vậy, việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng chậm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận; chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận các cơ quan nhà nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của một phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt. Một số địa phương khi giải quyết các vụ việc phức tạp ở cơ sở còn nặng về các biện pháp hành chính, chưa coi trọng biện pháp vận động thuyết phục nên hiệu quả hạn chế; một số cơ chế, chính sách ban hành hiệu quả không cao, chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại một số địa phương, đơn vị có lúc còn hình thức.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đảng Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trong điều kiện dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở Quyết định 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận; các cấp ủy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân vận, đặc biệt là nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”.  Tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận; trọng tâm là Kết luận 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Kịp thời cụ thể hóa, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hóa nền hành chính.Tăng cường, đổi mới công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tham mưu về công tác dân vận của cơ quan, đơn vị.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động

của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động gắn với xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong tập hợp, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương; giải quyết tháo gỡ kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Phát huy rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có năng lực phẩm chất chính trị, đạo đức, tận tụy với nhân dân. Tập trung khắc phục những khuyết điểm, hạn chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI,XII gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo lời Bác. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận, đoàn thể. Đội ngũ cán bộ dân vận cần trau dồi phẩm chất, đạo đức, phong cách công tác, thực sự thấm nhuần phương châm: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Xuân Ngọc

 

1059 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 615
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 615
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77475886