Các địa phương cần xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Bộ NN&PTNT vừa có công văn số 2515/BNN-LN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai ngay một số nhiệm vụ để thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.
Trong công văn, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi Đề án tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm phát huy các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng.
Chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ quản lý rừng cần nâng cao chất lượng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng rừng trên cơ sở hướng dẫn tại các thông tư của Bộ NN&PTNT.
Lựa chọn, xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, tán ... đại diện cho từng loại rừng và điều kiện tự nhiên tại địa phương để làm cơ sở nhân rộng và hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật nâng cao chất lượng rừng.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và có có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến diện tích rừng nâng cao chất lượng. Ứng dụng công nghệ tiên tiến theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học.
Tổ chức giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật, rà soát diện tích rừng chưa giao, hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, để giao cho chủ rừng quản lý theo quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn thực hiện, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện nâng cao chất lượng rừng, bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm; huy động nguồn xã hội hóa, nguồn vốn tự có, huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư, nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024 phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.
Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2,0 lần vào năm 2050; giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được sản xuất dưới tán rừng chiếm tỷ trọng từ 10 -15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Đỗ Hương