Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị đó, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị để quán triệt, đồng thời gấp rút chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa .Không khí chuẩn bị thật vô cùng khẩn cấp, náo nhiệt. Ngọn lửa cách mạng đang bừng cháy, khí thế quần chúng đã sẳn sàng dứng dậy.
Trong khí thế đó, ngày 18/8/1945, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị toàn tỉnh tại làng Phước Lễ, nhằm thống nhất lực lượng cách mạng trong tỉnh và bàn việc khởi nghĩa. Đông đủ đại biểu các phủ trong tỉnh về tham dự.
Sau khi nghe các phủ, huyện báo cáo tình hình, Hội nghị đã thảo luận sôi nỗi về tình hình phong trào cách mạng, hoạt động của các đoàn thể, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời đánh giá thực lực quân Nhật, lực lượng bảo an binh cũng như chính quyền bù nhìn. Đối với chính quyền Phan Văn Hy, Hội nghị cho rằng, tuy nó là con đẻ của phát xít Nhật nhưng do mới lập, nên chưa làm được trò trống gì, thái độ của chúng ta là thuyết phục và cảm hóa, lôi kéo họ. Đối với lực lượng bảo an binh, đây là lực lượng vũ trang duy nhất của chính phủ bù nhìn, nhưng không còn tinh thần cầm súng chống lại cách mạng, vã lại đa số sĩ quan trong lực lượng này đã được ta tuyên truyền về chính sách của Việt Minh. Vì vậy, chủ trương của ta là phải nắm lực lượng này để nó trở thành là lực lượng có ích cho cách mạng trong giờ khởi nghĩa. Đặc biệt, Hội nghị biểu hiện quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị là phải gấp rút chuẩn bị các điều kiện để tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Giữa lúc, Hội nghị đang bàn luận sôi nổi thì được tin tỉnh Hà Tĩnh đã giành được chính quyền ngày 17/8. Trong không khí, phấn khởi, sôi động, tràn ngập khí thế chiến thắng, Hội nghị như được tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm nhanh chóng phát động quần chúng đứng lên giành cho được chính quyền. Hội nghị đã quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh khỏang thời gian được ấn định 21-23 tháng 8 năm 1945.
Hội nghị đã bầu các đồng chí Trần Hữu Dực, Đặng Thí, Hoàng Thị Ái, Lê Vụ và Nguyễn Hữu Khiếu vào Ủy ban Khởi nghĩa.
Sau hội nghị, các đại biểu dự hội nghị nhanh chóng tỏa về các địa phương, truyền đạt lệnh tổng khởi nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Theo tinh thần đó, từ ngày 19-22 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa vừa tập trung lực lượng huấn luyện, vừa chọn cán bộ chỉ huy, phát động các lò rèn, rèn giáo mác, đồng thời tìm cách mua, tìm kiếm vũ khí của quân đội Nhật; vận động quần chúng chuẩn bị lương thực phẩm cho tự vệ và lực lượng cách mạng. Đồng thời vạch ra kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng để đánh chiếm từng căn cứ điểm của giặc.
Trong không khí cách mạng sục sôi cả nước, chiều ngày 22/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã chính thức phát lệnh khởi nghĩa.
19 giờ, ngày 22-8-1945, ba đội tự vệ vũ trang dưới sự điều khiển của đồng chí Trần Hồng Chương đã tíến vào thị xã Quảng Trị. Đoàn quân vừa đi vừa hô vang “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại- Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”. Lúc này, các các cán bộ Việt Minh trong thị xã cũng đang tiếp tục vận động quần chúng tổ chức míttin, diễn thuyết trong công chức, bảo an binh và các tầng lớp nhân dân nội thị, gây thanh thế cách mạng sôi động tràn ngập thị xã. 1 giờ ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, các đơn vị tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ chiếm đóng và dự bị đều đột nhập nội thị, chiếm lĩnh tất cả các vị trí đã được phân công từ trước; cùng lúc đó, các lực lượng làm nhiệm vụ biểu tình thị uy chính trị, từ các hướng cờ dong, trống thúc hô vang các khẩu hiệu rầm rập kéo vào thị xã.
Đúng 5 giờ ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực lên tầng trên dinh tỉnh trưởng hạ cờ ba que xuống treo cờ đỏ sao vàng lên. 9 giờ cùng ngày, một cuộc míttin lớn được tổ chức trưóc tòa công sứ Pháp (lúc này là trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị). Cuộc tổng khởi nghĩa cuớp chính quyền ở thị xã Quảng Trị kết thúc thắng lợi .
72 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị tự hào đã làm những gì có thể để tiếp nối và phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám: Từ một nền kinh tế thuần nông, phương thức canh tác lạc hậu, công nghiệp hầu như chưa có gì, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thu nhập đời sống của các tầng lớp nhân dân hết sức thấp kém đến nay Quảng Trị đã có những đổi thay to lớn và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%; nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng trưởng khá; số doanh nghiệp thành lập mới tăng; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,1% (so với năm 2015); thu hút các dự án ODA đạt kết quả khá, góp phần tích cực trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện điều kiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư - quảng bá du lịch Quảng Trị năm 2016, đến nay đã có 9/18 dự án được nhà đầu tư triển khai trên địa bàn tỉnh với số vốn đăng ký giải ngân được 29%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững; đã kịp thời ứng phó, khắc phục và thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường ở các huyện ven biển. Tình hình quốc phòng-an ninh được đảm bảo tốt. Đặc biệt, hai năm lại đây, “năng lượng” của tỉnh được tiếp thêm với quyết định của Thủ tướng đưa Quảng Trị vào tỉnh trọng điểm khu vực miền Trung và thành lập Khu kinh tế Đông Nam; phê duyệt đề án đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Quốc tế La Lay... đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh ta “cất cánh”. Đây là những kết quả quan trọng với nhiều điểm nhấn, nhiều điểm mới, thể hiện sự nỗ lực, tinh thần vượt khó và tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Dẫu vậy, so với bạn bè trong khu vực và cũng ngẫm lại chính mình, chúng ta thấy chất lượng tăng trưởng tỉnh ta chưa bền vững; năng suất lao động chưa cao; thu hút đầu tư nhìn chung vẫn còn khó; nguồn vốn đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa mạnh....đó là những day dứt sau một quá trình mặc dù đã rất cố gắng.
Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là những kinh nghiệm trong công tác tổ chức đấu tranh để giành chính quyền tại Quảng Trị Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà nhất định sẽ đạt được mục tiêu “Đến năm 2020, Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Trí Ánh