Phát huy tiềm năng vùng biển, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển kinh tế biển 

Quảng Trị là một tỉnh nằm trong dải đất miền Trung, có tiềm năng, lợi thế về biển, với 75 km chiều dài bờ biển trải dài trên 12 xã, thị trấn giáp biển và 4 xã có cửa lạch của huyện Hải Lăng đến huyện Vĩnh Linh; là đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển Miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền 13 hải lý với diện tích tự nhiên khoảng 2,3 km2.

Ngư trường Quảng Trị rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, là nơi tập trung nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô quý hiếm, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Đến nay đã xác định được ở vùng biển Quảng Trị có 173 loài/nhóm loài thuộc 106 giống nằm trong 73 họ thủy sản… Quảng Trị có hai cửa biển là Cửa Tùng và Cửa Việt, đây cũng là hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, là nơi giao thương, mua bán sản phẩm khai thác từ biển. Dọc bờ biển Quảng Trị có nhiều vùng kín gió thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng khu sửa chữa, neo đậu tàu thuyền. Vùng ngoài khơi của biển có vị trí thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động liên quan đến kinh tế biển như vận tải biển, phát triển kinh tế hàng hải.

Ngoài ra, bờ biển Quảng Trị có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch. Vùng biển của Quảng Trị còn có tiềm năng lớn về các loại sa khoáng như titan và cát thạch anh, nhất là, cát thạch anh là một loại nguyên liệu để sản xuất thủy tinh cao cấp xuất khẩu.

Đặc biệt, ngày 16/9/2015 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích: 23.792 ha, bao gồm 17 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Triệu Phong, Hải Lăng và Gio Linh. Khu kinh tế Đông Nam kết nối với tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây dài 1.450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ Mianmar, Thái Lan, Lào đến Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và là cửa ngõ hướng ra biển Đông qua cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy. Có giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường biển, đường sắt đang trở thành điểm nhấn của trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Trị với định hướng xây dựng, phát triển để trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trong tâm là phát cảng biển, du lịch biển, năng lượng. Có thể khẳng định, Khu kinh tế Đông Nam không chỉ tạo điều kiện cho Quảng Trị khai thác, phát huy được tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Với những tiềm năng về biển, việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả những định hướng phát triển kinh tế biển một cách toàn diện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ tám khóa XII về “Chiến lược phát triển vùng kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Vì vậy, quán triệt và vận dụng Nghị quyết để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về biển là yêu cầu đối với sự phát triển của Quảng Trị, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế biển. Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch và các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; tập trung các nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh. Nuôi trồng, khai thác hải sản chuyển mạnh từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; giảm dần đội tàu khai thác gần bờ, phát triển nhanh đội tàu khai thác xa bờ theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến thủy hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển được nâng cao góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời gian tới, khu vực biển và ven biển vẫn có đầy đủ các điều kiện về tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để thực hiện chủ trương vươn ra biển, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã ven biển. Do đó, Quảng Trị cần tập trung ưu tiên một số hạng mục như: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các hộ dân để đầu tư tàu đánh bắt thủy hải sản có công suất lớn để tăng sản lượng đánh bắt thủy hải sản của tỉnh; tăng cường quảng bá và phát triển du lịch biển; quan tâm đầu tư nạo vét, khơi thông luồng tại cảng để cảng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lớn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tuyến đường ven biển. Trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng thế mạnh từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại nhằm tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời gắn với tiềm năng thế mạnh của vùng biển.

Trong tình hình mới, để đạt được mục tiêu đưa Quảng Trị phải trở thành một trong những tỉnh có sự phát triển cao về các lĩnh vực kinh tế biển như vận tải biển, thủy sản và du lịch biển góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển. Trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước, Quảng Trị cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề phát triển. Có sự liên kết, phối hợp với nhau giữa các ngành, lĩnh vực. Hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần quản lý tài nguyên, môi trường biển và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển cho sự nghiệp phát triển của tỉnh. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay trong tổ chức sản xuất trên biển; đồng thời có biện pháp hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển và thiết lập quan hệ sản xuất kinh doanh giữa biển với các địa bàn khác trên bờ. Mặt khác, tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển kinh tế liên hoàn, tăng cường trao đổi, xuất khẩu.

Thứ hai, hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng như: du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ, đồng thời khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên thuận lợi vào nuôi trồng hải sản, dịch vụ hàng hải, dịch vụ nghề cá. Các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản cũng cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, có quy mô lớn. Phát triển du lịch cũng là một trong những hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế biển cần được đầu tư. Một số khu du lịch sinh thái biển lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và cả nước được hình thành sẽ tạo bước đột phá cho du lịch biển nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung.

Thứ ba, tổ chức phát triển hợp lý không gian kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển. Phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa, biến vùng ven biển thành hậu phương, hỗ trợ cho các hoạt động trên biển. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên các vùng biển và ven biển, đảm bảo an sinh xã hội vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển. Tạo ra các hành lang kinh tế ven biển với sự liên kết và mang sức lan tỏa rộng lớn. Có chính sách thích hợp để hình thành các doanh nghiệp mạnh, đồng thời huy động các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả các tiềm năng từ biển.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Có biện pháp kịp thời ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và các hệ sinh thái biển. Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực, đổi mới cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề mới thích ứng với các vùng mặn hóa, hạn hán, ngập nước; áp dụng công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản và chế biến các sản phẩm từ biển... Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Thứ năm, thực hiện tái cơ cấu ngành kinh tế biển, ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương tạo nên bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu. Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành theo nội dung mới gắn phát triển kinh tế biển; đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, giao thông liên lạc... đồng thời thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu biển, thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển.

Thứ sáu, chú trọng công tác tuyên truyền về biển, đảo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ với cư dân biển, mà còn với toàn xã hội.

Vùng biển của Quảng Trị có vị trí quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, là một mắt xích quan trọng trong tuyến hàng hải thông thương nội địa, toàn quốc, khu vực và quốc tế. Biển có vai trò ngày càng lớn đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh, là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, việc Quảng Trị đã ban hành các chính sách có liên quan đến kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng - an ninh đã có những tác động tích cực đến các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển. Xuất phát từ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, Quảng Trị cần phải triển khai xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển một cách toàn diện và đồng bộ, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương tám khóa XII về “Chiến lược phát triển vùng kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn

618 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 782
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 782
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77118475