Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới 

Ðại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”.

Nhận thức rõ chân lý “đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân” và thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Tiếp tục khẳng định đường lối chiến lược về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Đặc biệt, qua hơn 35 năm đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế đã thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đưa đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng; văn hóa xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống Nhân dân có nhiều thay đổi; quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao...

Đạt được những thành tựu to lớn đó, càng khẳng định thêm vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tăng cường mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức và các thành viên phát động ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở dân cư... tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện sâu rộng, đã làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của của Đảng ta thấm vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu sẵn sàng xả thân vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Điển hình, trong công tác phòng chống thiên tai năm 2020, tấm gương hy sinh của 13 chiến sĩ ở thủy điện Rào Trăng 3; 22 chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh khi giúp dân phòng hống lũ lụt đã trở thành tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong đợt dịch lần thứ tư từ ngày 27/4 đến nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình về đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên, nhất là trong đội ngũ ý bác sỹ, lực lượng vũ trang, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong đợt dịch lần thứ tư, có gần 24 nghìn y bác sỹ, lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ hy sinh. Thủ tướng Phạm Minh chính khẳng định họ là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian qua có lúc, có nơi chưa được phát huy đầy đủ; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến thay đổi cơ cấu xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương và giải pháp phù hợp; quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp ở một số địa phương chưa sâu sát, chưa thiết thực, thiếu hiệu quả; quyền làm chủ của Nhân dân ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực bị vi phạm; tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội còn xảy ra ở nhiều nơi...

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thời cơ, chúng ta cũng đang đối diện với những thách thức không nhỏ, nhất là các thế lực thù địch đang chống phá quyết liệt với âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, vì vậy, hơn lúc nào hết, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đồng lòng, chung sức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời, phải “tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”.

Vì vậy, trong thời gian tới, để xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Theo đó, những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần phải làm cho Nhân dân thấm nhuần các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyên truyền, cần phát huy những yếu tố tương đồng, cố gắng tìm ra mẫu số chung của mọi giai cấp, tầng lớp; quy tụ sức mạnh của các bộ phận cấu thành dân tộc ta nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Tổ chức và động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước của Nhân dân. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tăng cường công tác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch đang lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Từng bước tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Mặt trận Tổ quốc phải là chủ thể tích cực phát huy vai trò của Nhân dân trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội; cần huy động tối đa các ý kiến phản biện, đóng góp bổ sung, sửa đổi các văn bản, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động Nhân dân. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo hướng sát dân, hướng về cơ sở, đáp ứng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân bằng nhiều hoạt động thiết thực cụ thể, với nhiều hình thức vận động phong phú, đa dạng thông qua các tổ chức thành viên; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, đưa đất nước phát triển. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ làm công tác mặt trận và đoàn thể; chú trọng việc phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung.

Khơi dậy, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là tiền đề để mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước; làm cho đại đoàn kết trở thành nguồn lực tinh thần và vật chất to lớn, đưa đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tân Linh

844 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1023
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1023
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006247