Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2023) và Quốc khánh Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2023), là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy tối đa tinh thần, ý chí quyết tâm, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cách đây 78 năm, ngày 19 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đã bừng bừng khí thế cách mạng, vùng dậy đấu tranh cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, làm nên cuộc tổng khởi nghĩa lật đổ chế độ thống trị của kẻ thù. Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra một bước ngoặt mới của lịch sử dân tộc Việt Nam. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra trên khắp cả nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trở thành mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt cho toàn thể nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn đã dẫn những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Pháp năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Mỹ năm 1789 là “những tư tưởng bất hủ”, những “lẽ phải không ai chối cãi được”. Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ và khát vọng tự do, hòa bình, ấm no, hạnh phúc của toàn dân tộc ta đã được tôi luyện, hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và trưởng thành trong 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là minh chứng hùng hồn nhất về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó đã khẳng định rằng, Nhân dân một lòng đi theo đảng, tin tưởng vào đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng.
Phát huy bài học sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, thắng lợi đó đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển đất nước, đưa đất nước ta đang vững bước đi lên.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng có cả thời cơ và thách thức đan xen. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, với thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Chúng lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, nhằm chia rẽ khối khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và Nhân dân; đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,... Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng khối khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vì vậy, để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đòi hỏi chúng ta phải luôn khắc ghi những bài học kinh nghiệm và phát huy mạnh mẽ tinh thần Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho nên, trước hết, đó là phải xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch vững mạnh, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng; nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về yêu cầu, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng khối khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thấy rõ đây là vấn đề sống còn của cách mạng. Từ đó, nêu cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Thường xuyên quan tâm đến lợi ích, đến đời sống và phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính tị - xã hội từ Trung ương đến địa phương và hệ thống chính trị; qua đó, không ngừng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Giải quyết hài hòa lợi ích giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, với các giai tầng trong xã hội. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm xây dựng một cộng đồng ổn định, thành đạt, hòa nhập vào xã hội và đoàn kết tốt với Nhân dân nước sở tại; đồng thời, tăng cường xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với quê hương, đất nước; bởi đó là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, đoàn kết tôn giáo cũng là một nội dung quan trọng để củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được cho là nguyên tắc trọng yếu để đoàn kết đồng bào tôn giáo, trên cơ sở đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Gần tám thập niên đã trôi qua kể từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, đặc biệt sau hơn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới, vượt qua bao sóng gió, thác ghềnh, dân tộc Việt Nam tạo nên vóc dáng tự hào, ngời lên những phẩm chất, tinh hoa của dân tộc ngàn năm văn hiến, của Đảng chân chính cách mạng – Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Từ một đất nước bị nước ngoài xâm chiếm, từ một dân tộc nô lệ, dân tộc Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, ngày càng có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế tăng trưởng nhanh, tình hình chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế và uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao, mở ra những triển vọng ngày càng tốt đẹp.
Những thành tựu đó là hiện thực sinh động chứng tỏ sự phát huy sức mạnh toàn dân tộc là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, là sự tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng trong điều kiện lịch sử mới.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm, nhất là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ cuộc Cách mạng vĩ đại đó còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Chính vì vậy, cần chăm lo và huy động vai trò, sức mạnh của tất cả các thành phần, các tầng lớp trogn xã hội nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc – tạo động lực để xây dựng và phát triển xã hội Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh như quan điểm chỉ đạo của Đảng ta tại Đại hội XIII: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trần Văn Toàn