Đối với Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Trị sớm ra Nghị quyết có nội dung về công tác kiểm tra của Đảng. Năm 1949, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị là một trong số ít tỉnh của cả nước được thành lập và hoạt động chuyên trách. Riêng huyện Vĩnh Linh, từ năm 1954 đến năm 1975,là Đặc khu trực thuộc Trung ương nên đã thành lập Ủy ban Kiểm tra (UBKT) và hoạt động liên tục đến khi sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tổ chức bộ máy Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị có nhiều sự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Trong thời kỳ này, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Khu uỷ tuy số lượng cán bộ ít, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, dũng cảm, không quản ngại gian khổ hy sinh, các đồng chí trong Ban Kiểm tra đã sâu sát cơ sở nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, giáo dục, uốn nắn các khuyết điểm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, không dung túng cho các phần tử cơ hội, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã có sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, UBKT Tỉnh ủy và UBKT cấp ủy các cấp đã triển khai thực hiện toàn diện các nội dung công tác, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên; đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra ngày càng trưởng thành. Các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong những nhiệm kỳ trước, ngay sau thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, UBKT Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc cụ thể hóa các quy định của Trung ương để ban hành các quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, tạo cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ ở địa phương. Đối với việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm, UBKT Tỉnh ủy đã chủ động nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủytriển khai đồng bộ, toàn diện, có nhiều đổi mới,trong đó, đã xác định 30 nhóm nội dung kiểm tra, giám sát, vừa mang tính tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nội chính, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, vừa đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm; cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các cuộc kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng về số lượng, vừa đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, chất lượng cũng được tăng lên. Công tác giám sát đã đi vào nền nếp, đồng thời mở rộng nội dung và đối tượng giám sát, phát huy tác dụng tốt trong việc nắm tình hình tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng. Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được thực hiện ở tất cả các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đơn thư tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên được xem xét giải quyết kịp thời, dứt điểm. Việc thi hành kỷ luật đảng đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời, đúng nguyên tắc quy trình, thủ tục; việc xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể nhìn chung đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính nghiêm minh. Việc phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm tra của các ban, ngành, cơ quan có liên quan và với giám sát của Nhân dân có chuyển biến tích cực, từng bước đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.
Quá trình triển khai thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới, đã gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với người đứng đầu, tập trung kiểm tra, giám sát vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm như công tác quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, đấu thầu…Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm. Các tổ chức đảng, đảng viên sau khi được kiểm tra, giám sát đã kịp thời xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, làm tiền đề để ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Quán triệt nghiêm túc yêu cầu được xác định tại chủ đề Đại hội XIII của Đảng “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, trong thời gian tới,ngành Kiểm tra Đảng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người"; đồng thời kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước".
Để tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Phải tiếp tục nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra các cấp. Tiếp tục triển khai, quán triệt sâu rộng các quy định của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.
Hai là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tiễn từ địa phương, cơ sở. Tiếp tục thực hiện phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”; tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các lĩnh vực, vị trí công tác có tính nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực như: Đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai; thực hiện các chương trình, dự án; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công; kê khai tài sản, thu nhập; công tác cán bộ... Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu; mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa. Cấp uỷ, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp uỷ viên và cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý phải nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh không để dẫn đến vi phạm. Khắc phục triệt để tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”, “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị
Ba là: Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ kiểm tra phải là người có phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết, trách nhiệm, tuân thủ chuẩn mực dạo đức nghề nghiệp, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái; có bản lĩnh, biết vượt qua mọi cám dỗ;phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn tự chỉnh đốn mình, không ngại va chạm, không để bất cứ tác động tiêu cực nào chi phối; xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng và Nhân dân, tô thắm thêm truyền thống của ngành Kiểm tra: "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy".
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là góp phần tích cực trong việc đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống; giúp cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên nâng cao ý thức tự giác, tích cực tu dưỡng rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Phát huy truyền thống 75 năm ngành Kiểm tra Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh sẽ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.
Đồng chí Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh