Đây là sự kiện chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kỷ niệm 16 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2020), đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đang hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, các sở, ban ngành thành phố cũng như Hội, đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi về các giải pháp phát huy nguồn lực kiều bào, đẩy mạnh vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào nhằm kết nối, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, nâng vị thế hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhân tài, vật lực, là thế mạnh, tiềm năng và tương lai rộng mở
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố có sức mạnh, nguồn lực rất to lớn là 10 triệu dân, hơn 350.000 doanh nghiệp và mối liên hệ với hàng triệu kiều bào đang sinh sống ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đó chính là nhân tài, vật lực, là thế mạnh, tiềm năng và tương lai rộng mở.
|
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Diên An) |
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước bị tác động bởi dịch COVID-19, cộng đồng kiều bào đã có những hành động thiết thực, cùng với người dân trong nước chia sẻ khó khăn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, cũng như duy trì kết nối giao thương, khôi phục kinh tế.
Cụ thể, kiều hối chuyển về địa bàn thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD (tăng 2% so với cùng kỳ). Dự báo năm 2020 kiều hối chuyển về TPHCM đạt khoảng 5,5 tỷ USD (tăng 0,82% so với năm 2019).
Thành phố Hồ Chí Minh xác định châu Âu là thị trường lớn cho các doanh nghiệp với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 5 tỷ USD (tăng 5,4%). Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, con số này là 2,3 tỷ USD, riêng nhóm nông lâm thủy sản hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, đây cũng là một trong số các thị trường khó tính, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như nhiều yếu tố khác để vượt qua được những quy định do châu Âu đặt ra.
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua tiếp tục lớn mạnh với 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào đã hội nhập rất sâu rộng vào đời sống mọi mặt ở nước sở tại, từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, kiều bào luôn luôn hướng về quê hương, đất nước và có những đóng góp hết sức thiết thực, hiệu quả. Lượng kiều hối từ năm 1990 đến nay đạt khoảng 170 tỷ USD.
“Kiều bào đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam rất hiệu quả, với khoảng 3.000 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD, tạo nhiều việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua”, đại sứ Lương Thanh Nghị chia sẻ.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang tận dụng những cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại thì lực lượng 500.000 - 600.000 trí thức kiều bào ở các quốc gia phát triển là nguồn lực rất lớn cho đất nước. Hàng năm, có khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học kiều bào về nước, thường xuyên cộng tác với Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu và trường đại học.
Hiện có khoảng 1/5 kiều bào đang sinh sống tại châu Âu. Cộng đồng này đang tích cực tham gia vào cuộc vận động huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2019 - 2024.
Tận dụng thời cơ từ EVFTA và vượt qua rào cản
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, thực tế cho thấy, thị phần hàng Việt Nam tại EU còn khiêm tốn so với tiềm năng, và còn yếu kém hơn so với hàng hóa của các nước khác. Do đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ từ EVFTA và vượt qua rào cản như vậy.
Tới đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và hội doanh nghiệp trong nước ưu tiên giới thiệu những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của từng địa bàn, đồng thời, vận động các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tích cực chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến về nước để áp dụng vào sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch VKBIA đã nêu những khó khăn mà các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp Việt ở nước ngoài gặp phải thời gian qua.
“Việc kết nối giao thương, giao lưu đi lại giữa 2 nước vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đó cũng chính là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục thực hiện và tham gia tổ chức các hoạt động góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao thương và quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp, điển hình như chương trình "Gặp gỡ Hàn Quốc 2020", thu hút gần 1.000 đại biểu doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ của Hàn Quốc”, ông Trần Hải Linh cho biết.
|
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Văn Chiến) |
Trước rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đã và đang là sợi dây kết nối giao thương, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch… tạo nguồn kiều hối phong phú cho Tổ quốc, góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến giao thương và đầu tư.
Chia sẻ quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về việc triển khai EVFTA cũng như tiềm năng của Việt Nam trong tiếp cận thị trường ASEAN và EU, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, với hơn 1.000 thành viên, EuroCham sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo thực hiện suôn sẻ và hiệu quả hiệp định này. Cụ thể, EuroCham tham gia vào cả xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam sang EU. Mặt khác, các công ty Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chuyên môn, lời khuyên và kết nối của EuroCham để nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận thị trường, đảm bảo “đôi bên cùng có lợi”.
Theo ông này, để phát huy hết tiềm năng của EVFTA, Việt Nam cần giúp các doanh nghiệp trong nước củng cố thị phần bằng cách hiểu rõ hơn về thị trường và tiêu chuẩn kinh doanh của EU, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và độ tin cậy, đồng thời, áp dụng văn hóa đổi mới, minh bạch và liêm chính.
Cũng tại hội nghị, VKBIA ký 3 Biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn MEGAZONE CLOUD (tập đoàn của Hàn Quốc về Cloud Innovation chuyên kinh tế số, chuyển đổi số và ứng dụng số); với SHINHAN BANK (Ngân hàng Hàn Quốc); và MHGroup cùng Tập đoàn Hoàng Quân.
Dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng đã trao Giấy khen cho VKBIA vì đã có thành tích xuất sắc trong kết nối giao thương các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào toàn thế giới, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh./.